SpStinet - vwpChiTiet

 

Vai trò của chỉ dấu sinh học CD64 & HLA- ở bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn

Là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Thành phố, do Bệnh viện Chợ Rẫy chủ trì thực hiện, TS. Phạm Thị Ngọc Thảo làm chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2020.

Nhiễm khuẩn huyết là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Chẩn đoán sớm nhiễm khuẩn huyết để sử dụng kháng sinh sớm và đúng sẽ giúp cải thiện tình trạng tử vong.

Về khía cạnh cận lâm sàng, procalcitonin được xem là chỉ dấu sinh học hữu ích trong chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết với độ nhạy 77%, độ chuyên 79% và giá trị chẩn đoán của xét nghiệm thể hiện qua diện tích dưới đường cong ROC (Receiver Operating Characteristic) là 0,85 trong phân tích gộp các nghiên cứu. Tuy nhiên gần đây một số nghiên cứu cho thấy hai chỉ dấu sinh học tốt hơn cả procalcitonin trong chẩn đoán sớm nhiễm khuẩn huyết là CD64 trên bạch cầu đa nhân trung tính (BCĐNTT) và HLA-DR trên bạch cầu đơn nhân (BCĐoN).

CD64 là một kháng nguyên trên bề mặt bạch cầu còn được gọi là thụ thể Fcɤ nhóm I. CD64 trên BCĐNTT tăng biểu hiện trong quá trình tiền viêm đáp ứng với nhiễm khuẩn, hỗ trợ quá trình opsonin hoá và quá trình thực bào. CD64 trên BCĐNTT tăng nhanh vài giờ sau tác nhân kích thích như nhiễm khuẩn, duy trì trong máu ổn định 30 giờ, giảm sau 48 giờ và về bình thường 7 ngày khi không có kích thích. HLA-DR là một phần của kháng nguyên phức hợp phù hợp mô chính lớp II nằm trên nhiễm sắc thể số 6. Chức năng là để trình diện những chuỗi polypeptid trong nội bào cho tế bào lympho T. Ở nhóm người khoẻ mạnh BCĐoN biểu hiện > 90% HLA-DR. Ở bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết, BCĐoN giảm biểu hiện HLA-DR cho thấy quá trình rối loạn miễn dịch với ức chế miễn dịch kéo dài trong nhiễm khuẩn huyết mà cơ chế cho đến nay vẫn chưa được hiểu rõ.

Đề tài “Vai trò của chỉ dấu sinh học CD64 trên bạch cầu đa nhân trung tính, HLA-DR trên bạch cầu đơn nhân ở bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Chợ Rẫy” được thực hiện nhằm làm sáng tỏ vai trò của 2 chỉ dấu sinh học CD64 trên BCĐNTT, HLA-DR trên BCĐoN về mặt chẩn đoán và tiên lượng ở nhóm bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết/sốc nhiễm khuẩn.

Trong thời gian 18 tháng nghiên cứu, nhóm tác giả tiến hành phân tích 140 bệnh nhân trong đó có 85 bệnh nhân nhiễm khuẩn, 55 bệnh nhân không nhiễm khuẩn. Qua đó xác định giá trị chẩn đoán CD64 trên BCĐNTT, HLA-DR trên BCĐoN, chỉ số nhiễm khuẩn huyết ở nhóm bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết/sốc nhiễm khuẩn so với nhóm không nhiễm khuẩn; đánh giá ý nghĩa của chỉ dấu này trong chẩn đoán, tiên lượng nhiễm khuẩn huyết/sốc nhiễm khuẩn.

Kết quả cho thấy, về giá trị chẩn đoán của CD64/BCĐNTT, HLA-DR/BCĐoN, chỉ số nhiễm khuẩn huyết: CD64/BCĐNTT có khả năng chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết với diện tích dưới đường cong 0,869. Tại ngưỡng cắt 1311 phân tử/tế bào cho độ nhạy 90,6%, độ đặc hiệu 74,5%, giá trị tiên đoán dương 84,6%, giá trị tiên đoán âm 83,7%, tỷ số khả dĩ dương 3,56, tỷ số khả dĩ âm 0,13. HLA-DR/BCĐoN có khả năng chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết với diện tích dưới đường cong 0,815. Tại ngưỡng cắt 3556 phân tử/tế bào cho độ nhạy 65,9%, độ đặc hiệu 94,5%, giá trị tiên đoán dương 94,9%, giá trị tiên đoán âm 64,2%, tỷ số khả dĩ dương 12,08, tỷ số khả dĩ âm 0,36. Chỉ số nhiễm khuẩn huyết có khả năng chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết với diện tích dưới đường cong 0,90. Tại ngưỡng cắt 39,69 cho độ nhạy 80,0%, độ đặc hiệu 87,3%, giá trị tiên đoán dương 90,7%, giá trị tiên đoán âm 73,8%, tỷ số khả dĩ dương 6,29, tỷ số khả dĩ âm 0,23. Giá trị chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết của chỉ số nhiễm khuẩn huyết tốt hơn procalcitonin và bạch cầu.

Về giá trị tiên lượng của CD64/BCĐNTT, HLA-DR/BCĐoN, chỉ số nhiễm khuẩn huyết: HLA-DR/BCĐoN tại thời điểm 48 giờ nhập hồi sức có khả năng tiên lượng tử vong ở nhóm nhiễm khuẩn huyết/sốc nhiễm khuẩn trong phân tích hồi quy đa biến với giảm biểu hiện 1000 phân tử HLA-DR trên BCĐoN sẽ làm tăng tỷ lệ tử vong thêm 20%.

Kết quả đề tài cũng xây dựng được quy trình kỹ thuật thực hiện xét nghiệm CD64 trên bạch cầu đa nhân trung tính, HLA-DR trên bạch cầu đơn nhân. Quy trình đã được hội đồng kỹ thuật Bệnh viện Chợ Rẫy thông qua.

Nhóm tác giả kiến nghị: cả 3 chỉ dấu sinh học CD64/BCĐNTT, HLA-DR/BCĐoN, chỉ số nhiễm khuẩn huyết đều có giá trị cao trong chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết nên được áp dụng cùng với các chỉ dấu sinh học khác để phục vụ cho chẩn đoán. HLA-DR/BCĐoN có ý nghĩa tiên lượng tốt nên được đánh giá mỗi 48 giờ để theo dõi diễn tiến ở bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả