SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu nguyên nhân xảy ra dịch cúm gia cầm trong vụ hè năm 2007 ở TP. Hà Nội, trong điều kiện đã tiêm phòng 80% tổng đàn

Đề tài do các tác giả Trần Mạnh Giang (Chi Cục Thú Y Hà Nội), Đào Thanh Vân, Nguyễn Thế Vinh, Bùi Ngọc Anh, Trương Văn Dung, Nguyễn Tiến Dũng (Viện Thú Y) thực hiện nhằm tìm ra nguyên nhân để hiểu rõ hơn sự lưu hành của vi-rút cúm trong điều kiện gia cầm được tiêm phòng gần như toàn bộ và dịch bệnh đang xảy ra, từ đó đề ra các giải pháp hữu hiệu trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Nghiên cứu tiến hành điều tra sự lưu hành vi-rút cúm gia cầm ở nơi buôn bán, giết mổ (các chợ Vĩnh Quỳnh, Tân Triều, Bắc Thăng Long và các huyện ngoại thành Hà Nội); mức độ đáp ứng miễn dịch sau tiêm vacxin cho gia cầm; giám sát huyết thanh và vi-rút sau tiêm vacxin phòng bệnh cúm do vi-rút H5N1 tại địa bàn Hà Nội bằng phương pháp HI và phản ứng RT-PCR.
Kết quả cho thấy, gia cầm đem giết mổ có mang vi-rút cúm gia cầm với tỷ lệ mẫu gộp (mẫu swab của 5 cá thể gia cầm được gộp lại làm 1 mẫu để xét nghiệm) dương tính là 10,4% vào thời điểm đang có dịch mùa hè năm 2007. Tỷ lệ mẫu gộp mang vi-rút cúm ở ngan tại các chợ là 17,3% và ở vịt là 7,7%. Mặt khác, tỷ lệ gia cầm có kháng thể tại các chợ thấp, trong khi kết quả giám sát sau tiêm phòng cho thấy, tỷ lệ gia cầm có kháng thể tại các hộ chăn nuôi của Hà Nội lại rất cao (trung bình 82%). Như vậy dịch cúm xảy ra trong hoàn cảnh mức độ miễn dịch trong đàn gia cầm thực tế được tiêm phòng cao nhưng trên đàn thuỷ cầm có miễn dịch thấp. Dịch xảy ra do vi-rút có chung nguồn gốc và lây lan theo đường vận chuyển gia cầm giống. Tỷ lệ vi-rút cao trong đàn thuỷ cầm tại các chợ là do bán chạy dịch. Do đó, công tác kiểm soát giết mổ tại các chợ cần làm nghiêm túc chặt chẽ hơn. Gia cầm (nhất là ngan và vịt) mang vào chợ giết mổ bắt buộc phải có giấy kiểm dịch nếu không nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người giết mổ gia cầm sẽ rất cao. Cạnh đó, việc vệ sinh tiêu độc tại các chợ buôn bán gia cầm là rất cần thiết để tránh sự lây lan vi-rút sang người.
Như vậy, để phòng chống cúm gia cầm một cách triệt để, đạt hiệu quả cao thì không chỉ ở Hà Nội mà các địa phương trong cả nước phải đồng thời thực hiện tốt 3 khâu là tiêm phòng đạt tỷ lệ cao; kiểm soát chặt chẽ gia cầm lưu thông buôn bán trên thị trường; làm tốt công tác kiểm soát sát sinh và vệ sinh tiêu độc tại những chợ buôn bán và giết mổ gia cầm.
LV (nguồn: Tạp Chí Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn, số 19/2007)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả