SpStinet - vwpChiTiet

 

Điều tra hiện trạng và xây dựng qui trình phòng trị tổng hợp bệnh chân móng trên bò sữa TP.HCM

Nhóm nghiên cứu Dương Nguyên Khang và cộng sự (Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Khoa học Công nghệ, ĐH Nông Lâm TP.HCM) đã tìm hiểu nguyên nhân, hậu quả của bệnh chân móng trên bò sữa nuôi tại nông hộ quanh khu vực TP.HCM và xây dựng qui trình phòng trị tổng hợp bằng cách kết hợp cân bằng dinh dưỡng, bổ sung chất đệm dạ cỏ và khoáng, gọt móng định kỳ, lịch trình cho ăn ngắn hạn (trong ngày) và dài hạn (theo tháng và mùa vụ) phù hợp với việc cung cấp thức ăn xanh hoặc khô có sẵn tại nông hộ.

TP.HCM là địa phương chăn nuôi bò sữa lớn nhất nước, với tổng đàn bò sữa đạt 90.132 con, chiếm 30% tổng số bò sữa cả nước, tính đến đầu năm 2016. Mặc dù có khó khăn về tiêu thụ sữa, nhưng tổng đàn bò sữa vẫn tăng lên 95.298 con (bò sữa cái 74.313 con) tính đến đầu năm 2018.

Bệnh chân móng trên bò sữa là một trong những vấn đề sức khỏe quan trọng nhất hiện nay. Bệnh này biểu hiện không nghiêm trọng như các bệnh truyền nhiễm, nhưng ảnh hưởng của nó đối với bò sữa lên sức khỏe, giảm trọng, giảm sản xuất sữa, giảm chất khô sữa, giảm tuổi thọ đàn, giảm sức đề kháng,…sẽ gây ảnh hưởng và tạo điều kiện cho phát triển các bệnh truyền nhiễm khác, làm thiệt hại kinh tế nặng nề hơn.

Vì thế, việc phòng trị các bệnh trên bò sữa, đặc biệt là bệnh chân móng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chăn nuôi bò sữa bền vững của bà con chăn nuôi Thành phố.

Trong đề tài này, hiện trạng chăn nuôi, dinh dưỡng liên quan đến chân móng đã được khảo sát trên 150 hộ ở 3 qui mô nhỏ, vừa và lớn, cho thấy, chăn nuôi bò sữa tại Củ Chi, TP.HCM là nhỏ lẻ, đầu tư thấp, chưa đạt yêu cầu về kỹ thuật liên quan giữa dinh dưỡng và bệnh chân móng. Việc sử dụng nhiều cám hỗn hợp trong khẩu phần, ít bổ sung khoáng và chất đệm dạ cỏ, kết hợp chăn nuôi cầm cột, ít vận động, vì vậy đã làm tăng tỉ lệ bệnh chân móng, nhiều nhất ở các hộ chăn nuôi qui mô lớn. Ngoài ra, hiểu biết về phòng trị bệnh chân móng cho đàn bò sữa tại hộ chăn nuôi còn thấp.

Phân loại và tần suất của 11 dạng bệnh chân móng đã được khảo sát cho thấy, số lượng bò trung bình/hộ ở chăn nuôi bò sữa nông hộ là 41,8 con/hộ; tần xuất bò bệnh dài móng trung bình 0,67 bò bệnh/hộ, cứng móng 0,80 bò bệnh/hộ, viêm mô 0,97 bò bệnh/hộ, viêm móng 2,23 bò bệnh/hộ, viêm lâm sàng 2,1 bò bệnh/hộ, loét móng 2,43 bò bệnh/hộ, thối móng 1,4 bò bệnh/hộ,… Nguyên nhân bệnh liên quan đến dinh dưỡng và chăm sóc quản lý.

Quy trình cân đối thức ăn tinh thô trong khẩu phần cho phòng bệnh chân móng bò sữa đề xuất tỉ lệ thức ăn thô tinh là 60:40 sẽ có khẩu phần cân đối cho việc phòng bệnh tốt nhất. Quy trình sử dụng bicarbonate và kẽm hữu cơ trong khẩu phần với liều sử dụng tối ưu là kết hợp bicarbonate và kẽm trong khẩu phần được cân đối theo tỉ lệ thô tinh 60:40 cho khả năng phòng bệnh chân móng tốt nhất. Gọt móng và cắt tỉa móng định kỳ sẽ hạn chế mô chết, loại bỏ khu trú vi sinh vật gây viêm giúp làm giảm tình trạng bệnh chân móng. Sử dụng bôi đồng sulphate, vôi và kháng sinh sẽ làm vết thương nhanh lành trong điều trị bệnh chân móng.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả