SpStinet - vwpChiTiet

 

Ảnh hưởng sốc độ mặn trong giai đoạn thả giống lên sinh trưởng của tôm sú ương.

Nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc thay đổi độ mặn lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm sú (Penaeus monodon) ở giai đoạn giống, nhóm tác giả Huỳnh Thanh Tới, Nguyễn Thị Hồng Vân (Khoa Thủy Sản, Trường Đại học Cần Thơ) đã thực hiện nghiên cứu về ảnh hưởng của sốc độ mặn trong giai đoạn thả giống lên sinh trưởng của tôm sú ương theo công nghệ Biofloc dựa trên 7 nghiệm thức thí nghiệm.

Độ mặn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nghề nuôi tôm, đặc biệt là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Do biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa to kéo dài có thể làm giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi, gây khó khăn cho quá trình chăm sóc tôm. Đặc biệt là trong giai đoạn thả giống, sự thay đổi độ mặn có thể ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và tỷ lệ giống của tôm sú. Vì vậy, cần phải xác định được ngưỡng độ mặn nằm trong khoảng thích hợp cho tôm sú phát triển.

Nghiên cứu (được đăng trên tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam số 2/2018) được thực hiện tại trại thực nghiệm thuộc Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ. Đối tượng thí nghiệm là tôm sú PL12 đã được kiểm tra sạch bệnh. Nguồn nước thí nghiệm là nước máy có độ mặn 0% và nước ót có độ mặn 80 – 90% mua từ Bạc Liêu.

Trong 7 nghiệm thức được thực hiện, có 5 nghiệm thức tôm được thả trực tiếp ở các độ mặn 5‰, 10‰, 15‰, 20‰ và 30‰. 2 nghiệm thức còn lại được chia làm 2 nhóm nhỏ để thuần nhanh từ độ mặn 20‰ xuống 5‰ trong vòng 3 giờ và thuần chậm từ độ mặn 20‰ xuống 5‰ trong 3 ngày. Mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần và được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên trong bể nhựa chứa 70 lít nước, mật độ 2 con/lít. Tôm được cho ăn 4 lần/ngày bằng thức ăn số 1 (40% đạm) của Công ty CP với chế độ cho ăn theo khối lượng thân tôm.

Kết quả cho thấy, khi sốc độ mặn càng lớn thì tăng trưởng về chiều dài của tôm càng thấp, tỷ lệ sống của tôm bị ảnh hưởng khi thay đổi độ mặn đột ngột (giảm từ 10 - 15‰) và tôm từ độ mặn 20‰ thả nuôi trực tiếp (không qua thuần hóa) xuống độ mặn 5‰ và 10‰ có tỷ lệ sống thấp hơn so với các nghiệm thức còn lại sau 20 ngày nuôi. Bên cạnh đó, tôm tăng trưởng về chiều dài, khối lượng và tỷ lệ sống cao nhất là ở nghiệm thức 20‰ và ngưỡng sốc độ mặn từ 15 - 30‰ không ảnh hưởng đến sinh trưởng của tôm.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả