SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu thiết kế trạm dỡ tải di động cho băng tải sử dụng trong các kho vật liệu rời

Hiện nay, hệ thống bốc dỡ vật liệu rời từ băng tải để đánh đống hoặc cấp lên các phương tiện vận tải tại các kho vật liệu đang rất phổ biến tại các nước công nghiệp phát triển. Tại Việt Nam, các hệ thống bốc rót trong kho được sử dụng nhiều trong các nhà máy tuyển than, kho nhiệt điện, kho chứa bô xít... Trong công nghiệp, các thiết bị dỡ tải dùng cho băng tải là thiết bị quan trọng, được sử dụng nhiều trong ngành mỏ.

Việc nghiên cứu thiết kế sao cho phù hợp với yêu cầu thực tế là vấn đề rất quan trọng để giúp chúng ta có thể chủ động cho việc chế tạo trong nước, nhằm tiến tới chuẩn hóa thay thế hàng nhập khẩu. Do đó, nhằm nghiên cứu thiết kế trạm dỡ tải di động cho băng tải sử dụng trong các kho vật liệu rời, tìm hiểu phương pháp tính toán trạm dỡ tải di động dùng cho băng tải, thiết kế trạm dỡ tải di động cho băng tải có chiều rộng cho trước để làm tài liệu cơ sở cho ứng dụng chế tạo sản phẩm phục vụ sản xuất, nhóm nghiên cứu do KS. Nguyễn Trung Lương, Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ - Vinacomin đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu thiết kế trạm dỡ tải di động cho băng tải sử dụng trong các kho vật liệu rời” với các nhiệm vụ trọng tâm chính bao gồm: Khảo sát thực tế tại các kho chứa vật liệu rời của các công ty sàng tuyển  than  trong tập đoàn Than; Lựa  chọn trạm dỡ tải di động cho băng tải phù hợp với công nghệ sàng tuyển , kho bãi, vận hành linh hoạt, chi phí đầu tư thấp;  Lập thiết kế và tính toán các thông số làm việc gồm tính toán bộ truyền động, tính toán kiểm nghiệm kết cấu khung máy và các chi tiết; Thiết kế, lập bản vẽ chế tạo sản phẩm; Lập quy trình công nghệ chế tạo một số chi tiết chính đó là quy trình chế tạo trục bánh xe; Đặc biệt chi phí đầu tư phải thấp, năng suất cao hơn so với phương án khác trong cùng điều kiện về mặt bằng và các yêu cầu về năng suất thiết bị.

Qua khảo sát thực tế các thiết bị dỡ tải, nhóm tác giả nhận thấy: đối với các kho bãi, nhà máy có mặt bằng diện tích hạn chế nhưng yêu cầu năng suất chuyển dỡ tải lớn thì đa số các thiết bị trên đều vẫn còn bị hạn chế một số vấn đề như: kinh phí đầu tư, công suất của hệ thống, điều kiện mặt bằng kho bãi… Do đó, nhóm đề tài đã lựa chọn phương án: dỡ tải vật liệu bằng trạm dỡ tải di động chạy dọc tuyến băng. Cụ thể nhóm đề tài chọn nghiên cứu trạm dỡ tải di động cho băng tải B1200 số 104, là băng tải vận chuyển than nguyên khai cho bộ phận sàng tuyển và kho than nguyên khai của nhà máy tuyển than Vàng Danh II, trục thuộc Công ty Cổ phần than Vàng Danh với thông số cơ bản của băng là: B1.200, chiều dài vận chuyển 170 m, vận tốc dây băng v=1,6 (m/s), góc vận chuyển 0-16 độ, chiều cao nâng 6 (m), công suất động cơ 75 (kW), năng suất vận chuyển Q=570 (T/h).

Phương án này có đặc điểm: Chi phí đầu tư thấp hơn so với phương án khác trong cùng điều kiện về mặt bằng và các yêu cầu về năng suất thiết bị; Năng suất cao, phù hợp với quy trình công nghệ của nhà máy sàng tuyển.

Trạm dỡ tải di động là 1 cơ cấu trong băng vận hành đồng thời với tuyến băng đánh đống (băng B1.200; L=170 m; Q=570 t/h; v =1,6 m/s), là thiết bị phụ trợ, dùng để đánh đống ở bãi kho; đồng thời cũng phục vụ cung cấp vật liệu cho hệ thống sàng tuyển ở kho than, đánh đống ,phân loại sản phẩm trong ngành khai thác mỏ. Trạm dỡ tải di động di chuyển trên giàn đỡ khung băng chạy dọc tuyến băng đánh đống trên bãi. Chiều dài hành trình đi lại hai chiều trong khoảng cách L=100 (m). Năng suất theo năng suất của băng tải (Q=570 t/h). Tùy theo độ cao đống than liên tục hay phân đống. Chiều dài của tuyến mà chọn vận tốc của trạm cho thích hợp. Trạm dỡ tải di động chạy bằng 4 bánh xe Ø500 trên hai đường ray P24 song song dọc theo tuyến băng; có thể lùi tiến hay đứng tại chỗ tùy theo công nghệ đánh đống, theo yêu cầu sản xuất trên kho bãi và hệ thống sàng tuyển. Để thiết kế tính toán các thông số kỹ thuật của trạm dỡ tải. Trước tiên phải chọn các tính năng làm việc của băng tải. Để phục vụ việc tính toán, ở đây ta chọn băng với các thông số: B1.200; Q=570 (t/h); v=1,6 (m/s). Các thông số kỹ thuật cần xác định của băng dỡ tải bao gồm: Tính năng làm việc lực cản, lực căng băng, công suất động cơ, hiệu suất làm việc của bộ truyền động. Lực cản chuyển động do ma sát. Lực khởi động, moment khởi động, moment phanh là các thông số cơ bản để thiết kế, chế tạo, vận hành trạm dỡ tải di động cho phù hợp với các điều kiện làm việc của tuyến băng tải. Trong băng tải, tính được lực căng băng quyết định được các lực khi khởi động. Đây là tiền đề quan trọng để tính toán, thiết kế, lắp đặt trạm dỡ tải di động hoạt động phù hợp với băng tải.

Như vậy, với mục tiêu đặt ra cho đề tài là nghiên cứu lập cơ sở tính toán, lập bộ bản vẽ thiết kế thiết kế trạm dỡ tải di động cho băng tải sử dụng trong các kho vật liệu rời đủ độ tin cậy để có thể chế tạo sản phẩm, tiến tới chế tạo sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tế tại các kho vật liệu, nhà máy tuyển  và đáp ứng nhu cầu sản xuất. Đề tài đã từng bước thực hiện theo các nội dung nghiên cứu sau:

- Khảo sát thực tế việc dỡ tải tại các kho bãi, nhà máy sàng tuyển, các công ty kho vận của tập đoàn Công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam.

- Nghiên cứu, khảo sát các hệ thống dỡ tải di động cho băng tải hiện có, đang hoạt động tại các kho vật liệu , lựa chọn mẫu thiết kế.

- Lập bản vẽ thiết kế.

- Tính toán kiểm nghiệm thiết kế.

- Lập báo cáo tổng kết.

Đề tài đã hoàn thiện thuyết minh báo cáo và bản vẽ thiết kế. Nhóm đề tài cũng mong muốn nhận được đóng góp ý kiến của các chuyên gia, đồng nghiệp để hoàn thiện thuyết minh và thiết kế, tiến tới sản xuất thử nghiệm.

Nguồn: most.gov.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả