SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu mô hình dự báo tác động của biến đổi khí hậu tại TP.HCM

Là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Thành phố, do Viện Y tế Công cộng TP.HCM chủ trì thực hiện, PGS.TS. Đặng Văn Chính làm chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2020.

Đề tài "Nghiên cứu xây dựng mô hình dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe cộng đồng theo các kịch bản cập nhật tại TP.HCMđược triển khai nhằm xây dựng mô hình dự báo tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với sức khỏe cộng đồng theo các kịch bản cập nhật và khả năng ứng phó với BĐKH của các cơ sở y tế tại TP.HCM. Sức khỏe cộng đồng được đánh giá trong nghiên cứu này thông qua 3 nhóm chính: số ca tử vong chung; số mắc và chết vì các bệnh mạn tính bao gồm bệnh tim mạch và bệnh phổi; số mắc và chết vì các bệnh lây nhiễm bao gồm sốt xuất huyết (SXH), bệnh đường ruột, tiêu chảy (TC) và bệnh tay chân miệng (TCM).

Kết quả hồi cứu số liệu cho thấy, nhiệt độ trung bình tại TP.HCM (1988 – 2018) dao động qua các năm và có xu hướng gia tăng, nhiệt độ trung bình t27,81°C năm 1988 đến 28,62°C năm 2018, đặc biệt là trong giai đoạn 2014 - 2018, nhiệt độ trung bình > 28°C. Lượng mưa trung bình các năm 2016, 2017 và 2018 cao hơn so với các năm trước đó. Độ ẩm trung bình những năm 2010 – 2018 (73,42% - 72,54%) thấp hơn so với những năm 1997 – 2009 (76,51% - 75,46%). Kết quả phân tích chiều hướng (Trend Analysis) cho thấy, phương trình dự đoán nhiệt độ trung bình trong thời kỳ nghiên cứu là: Yt = 27,83 + 0,04*t trong đó Yt là nhiệt độ trung bình năm và t là số thứ tự năm tính từ 1997. Như vậy, mỗi năm nhiệt độ trung bình tăng lên 0,04°C và độ ẩm trung bình giảm 0,17%.

Tổng số ca nhập viện các bệnh lây, các bệnh không lây tại TP.HCM có xu hướng ngày càng tăng dần theo thời gian. Số ca mắc của nam luôn cao hơn nữ. Trong nghiên cứu này, đối với nhóm bệnh lây, số ca nhập viện do sốt xuất huyết cao nhất từ 0 - 15 tuổi (2000 – 2014), tuy nhiên từ 2015 trở đi, số ca nhập viện do sốt xuất huyết nhóm người lớn (trên 15 tuổi) lại cao hơn nhóm từ 15 tuổi trở xuống. Bệnh tay chân miệng xảy ra cao nhất ở nhóm tuổi 0 đến 3 tuổi, sau đó giảm dần cho đến nhóm tuổi >5. Đối với nhóm bệnh lây, nhóm tuổi có số ca nhập viện cao nhất ở nhóm tuổi trên 40. Bệnh hầu như xuất hiện đầy đủ các tháng trong năm, trong đó có tính phân chia theo mùa khá rõ rệt đối với một số bệnh: số ca mắc sốt xuất huyết tăng từ tháng 7 đến tháng 10 (mùa mưa), tiêu chảy từ tháng 2 đến tháng 5 (mùa khô), tay chân miệng từ tháng 10 đến tháng 11.

Kết quả nghiên cứu khi xác định mối liên quan giữa bệnh tật và các yếu tố thời tiết theo ngày cho thấy, nhiệt độ trung bình theo ngày làm tăng nguy cơ nhập viện đối với sốt xuất huyết là >25,7°C; tiêu chảy là >28°C và tay chân miệng là từ 26 - 30,1°C. Biên độ nhiệt làm tăng nguy cơ nhập viện đối với sốt xuất huyết là >11,0°C; tiêu chảy là 7 - 10°C và tay chân miệng là từ 4,5 - 7,5°C. Trong 3 bệnh SXH, TC, TCM thì sóng nhiệt tác động mạnh nhất tới nguy cơ nhập viện ở bệnh tiêu chảy với RR = 1,70 (khoảng tin cậy 95%: 1,49-1,94), tiếp đến là bệnh SXH với RR = 1,49 (KTC 95%: 1,40 – 1,59) và tác động ít nhất đối với bệnh TCM với RR = 1,13 (KTC 95%: 1,05 – 1,22). Khi chia theo nhóm tuổi, sóng nhiệt làm tăng nguy cơ nhập viện do các bệnh lây ở nhóm ≥ 15 tuổi với RR= 1,092 (KTC 95%: 1,004 - 1,188) và làm giảm nguy cơ nhập viện ở nhóm trẻ em < 15 tuổi với RR = 0,88 (KTC 95%: 0,81 – 0,95). Độ ẩm trung bình theo ngày làm tăng nguy cơ nhập viện đối với SXH là 62% - 82%; TC là từ 68% - 78% và TCM là từ 75% - 85%. Riêng với bệnh TCM khi độ ẩm trung bình ngày <60% làm giảm nguy cơ nhập viện.

Kết quả xây dựng mô hình và đánh giá tác động của BĐKH lên sức khỏe cho thấy, khi nhiệt độ trung bình/ ngày tăng cao (> 25,7°C) sẽ là một trong những yếu tố tác động làm tăng nguy cơ nhập viện ở nhóm bệnh lây. Đối với mỗi bệnh sẽ có ngưỡng chịu tác động làm tăng nguy cơ nhập viện khác nhau như SXH >25,7°C, TC >28,0°C và TCM từ 26C - 30,1°C. Khi tổng số ca nhập viện ở nhóm bệnh lây của tuần tăng 1 ca, số ca nhập viện của 1 tuần sau đó tăng 0,15%; nhiệt độ trung bình tuần tăng 1°C, số ca nhập viện sau 5 – 8 tuần tăng 3,87%; khi độ ẩm trung bình tuần tăng 1% thì sau 1 – 4 tuần tăng 2,84%, sau 5 – 8 tuần tăng 3,29% và sau 9 – 12 tuần tăng 1,92%. Trong khi đó, lượng mưa tuần tăng 1mm thì sau 1 – 4 tuần số ca nhập viện giảm đi 0,11%; 5 – 8 tuần giảm 0,14% và sau 9 – 12 tuần giảm 0,12%.

Kết quả dự đoán số ca nhập viện đối với bệnh SXH do nhiệt độ cao cho thấy: số ca nhập viện tăng thêm vào giai đoạn (2020 – 2049) theo kịch bản RCP4.5 là 31.645 ca, thấp hơn so với kịch bản RCP8.5 là 33.605 ca. Đối với bệnh TC, số ca nhập viện tăng thêm vào giai đoạn (2020 – 2049) theo kịch bản RCP4.5 là 4.758 ca, thấp hơn so với kịch bản RCP8.5 là 4.884 ca. Đối với nhóm bệnh không lây, nhiệt độ tác động mạnh đến 2 nhóm người già >60 tuổi mắc bệnh THA (tăng huyết áp) và COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính). Cụ thể, số ca nhập viện do bệnh THA giai đoạn 2020 – 2049 theo kịch bản RCP4.5 là 52.521 ca và RCP8.5 là 52.564 ca. Số ca nhập viện COPD giai đoạn 2020 – 2049 theo kịch bản RCP4.5 là 377 ca, thấp hơn so với kịch bản RCP8.5 là 696 ca.

Về kết quả khảo sát bệnh viện an toàn và dự báo tác động BĐKH lên sức khỏe, trong 4 nhóm tiêu chí khảo sát, tiêu chí phi kết cấu liên quan đến hệ thống trang thiết bị công trình đảm bảo cho người sử dụng đạt tỷ lệ cao nhất (91,8%); kế đến là tiêu chí kết cấu và phi kết cấu liên quan đến kiến trúc (86,3%); tiêu chí chức năng liên quan đến trang thiết bị 80,8%; tiêu chí chức năng liên quan đến chính sách và nhân lực là thấp nhất, chỉ đạt 61,6%. Các hoạt động về chính sách và con người không yêu cầu nhiều kinh phí bổ sung, cho thấy các lãnh đạo bệnh viện chưa tập trung quan tâm vào việc xây dựng bệnh viện an toàn trong thảm họa. Họ quan tâm nhiều hơn đến hoạt động chống dịch và chống cháy nổ, chưa phát triển các kịch bản ứng phó các tình huống khẩn cấp khác như bão và lũ.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, các yếu tố khí hậu có tác động lên sức khỏe cộng đồng dân cư TP.HCM. Rõ rệt nhất là yếu tố nhiệt độ và các đợt nắng nóng làm tăng số ca nhập viện và tử vong do bệnh tim mạch và hô hấp (hen phế quản, COPD). Các yếu tố như nhiệt độ trung bình, độ ẩm, vận tốc gió có ảnh hưởng lên số ca nhập viện của các bệnh lây nhiễm (SXH, TC, TCM).

Qua đó, nhóm tác giả đã đề xuất một số giải pháp như: xây dựng hệ thống cảnh báo nhiệt độ hoặc chỉ số nhiệt; phát huy vai trò của giám sát y tế công cộng; truyền thông và gia tăng nhận thức về BĐKH và tác hại của nó lên sức khỏe cộng đồng; đảm bảo xây dựng các bệnh viện đáp ứng toàn diện các tiêu chuẩn bệnh viện an toàn (theo yêu cầu của Bộ Y tế); giải pháp thích nghi BĐKH thông qua cơ sở hạ tầng và thiết kế (thiết kết bề mặt “tổ ong”, mái nhà xanh,…).

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả