SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu tác dụng giảm đau của viên hoàn “phong tê thấp Bà Giằng” trong điều trị bệnh khớp

Đề tài do nhóm tác giả Nguyễn Quang Tập, Nguyễn Thị Thanh Hải (Bệnh Viện Kiến An, Hải Phòng), Nguyễn Văn Quân (Học Viện Y – Dược học Cổ truyền Việt Nam) thực hiện nhằm đánh giá tác dụng giảm đau của thuốc gia truyền phong tê thấp Bà Giằng trên hai loại bệnh khớp (đau thần kinh tọa và bệnh thoái khớp); theo dõi tác dụng không mong muốn của thuốc.

Bệnh khớp là một bệnh mang tính xã hội và chiếm tỷ lệ khá cao trong các bệnh nội khoa, làm giảm chất lượng cuộc sống, gắn liền với đau đớn, tật nguyền… Từ nhiều năm nay, tân dược kháng viêm giảm đau có hiệu quả nhưng mang nhiều tác dụng phụ nguy hiểm liên quan tới hệ tim mạch, đường tiêu hóa… Vì vậy việc tìm ra loại thuốc vừa có tác dụng điều trị bệnh khớp vừa giảm thiểu tác dụng phụ là mối quan tâm của các nhà nghiên cứu. Thuốc phong tê thấp Bà Giằng (PTTBG) của Cơ sở Sản xuất Thuốc Y học cổ truyền Bà Giằng (Bagiaco) được đưa ra thị trường vào năm 2002, thuộc nhóm thuốc khi phong, trừ thấp, chữa viêm đau dây thần kinh sườn, dây thần kinh tọa, tê mỏi tay chân…
PTTBG có thành phần bao gồm 9 vị thuốc, bào chế dạng viên hoàn cứng, liều dùng ngày uống 2-3 lần mỗi lần 10-12 viên sau bữa ăn 1 giờ. Nghiên cứu tiến hành trên 42 bệnh nhân khám và điều trị nội trú tại Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh Viện Kiến An - Hải Phòng từ tháng 9/2006-6/2007, dùng PTTBG.
Kết quả cho thấy, lứa tuổi gặp nhiều nhất là 51-60 (tỷ lệ 38,2%); có 26 nữ (61,90%) và 16 nam (38,10%) nhưng nam bị đau thần kinh tọa nhiều hơn nữ; thuốc PTTBG có tác dụng giảm đau khá tốt, thể hiện qua thang điểm VAS (đau tự nhiên - gồm 10 điểm được chia làm 5 mức độ: không đau - 0 điểm; đau ít - 1 đến 2 điểm; đau vừa - 3 đến 5 điểm; đau nhiều - 6 đến 8 điểm; rất đau - 9 đến 10 điểm) và nghiệm pháp ngón tay - mặt đất, sau điều trị 2 tuần và 4 tuần đều giảm có ý nghĩa thống kê với p<0,05 và p<0,01.
Bước đầu thấy thuốc có tác dụng chống viêm và cần nghiên cứu thêm, các xét nghiệm cận lâm sàng thay đổi không có ý nghĩa thống kê. Tỷ lệ khá và tốt đạt 76,19%, trong đó chủ yếu ở người bệnh thoái hóa đốt sống cổ và thắt lưng. Nhìn chung người bệnh dung nạp thuốc tốt, không có tác dụng phụ nào nguy hiểm; 1 bệnh nhân phải ngừng thuốc vì có triệu chứng nóng rát thượng vị và cần thận trọng khi sử dụng cho người có tiền sử viêm dạ dày tá tràng. Xét nghiệm chức năng gan thận trước và sau điều trị thay đổi không đáng kể (p>0,05) chứng tỏ thuốc có độ an toàn cao.

LV (nguồn: Tạp Chí Y học thực hành, số 11/2007)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả