SpStinet - vwpChiTiet

 

Đánh giá tiềm năng di truyền về sản lượng sữa của đàn bò có nguồn gốc Holstein Friesian nuôi tại Việt Nam

Ngành chăn nuôi bò sữa của Việt Nam đã và đang trải qua giai đoạn phát triển với thành tích đầy ấn tượng so với khu vực và quốc tế. Quần thể bò sữa, sản lượng sữa sản xuất được cũng như sản lượng sữa bình quân chu kỳ của bò sữa liên tục tăng qua các năm với tốc độ rất nhanh. Thành công đó một phần lớn và quan trọng là nhờ có cơ chế chính sách thuận lợi của Nhà nước, sự mạnh dạn và quyết tâm từ các doanh nghiệp, tiến bộ của trình độ kỹ thuật; ứng dụng thành tựu mới trong nghiên cứu, từ các chương trình, dự án, các đề tài khoa học công nghệ về các lĩnh vực khác nhau thực hiện trên bò sữa.

Trong thời gian qua, các cơ sở chăn nuôi đã sử dụng và du nhập nhiều nguồn giống từ các khu vực khác nhau (tinh dịch, phôi động lạnh, bê, bò đực và giống), từ các châu lục khác nhau (châu Âu, Úc- New Zealand, châu Mỹ và châu Á). Các khu vực này có đặc trưng cả về điều kiện khí hậu thời tiết, bản chất và cấu trúc di truyền quần thể trong đàn giống và cả trình độ cũng như các phương pháp ứng dụng chọn giống khác nhau. Như vậy, sản lượng sữa của bò được sinh ra từ các nguồn đó được thể hiện như thế nào tại điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng tại Việt Nam là một vấn đề cần quan tâm. Hơn nữa, giá trị di truyền của đàn bò được ứng dụng như thế nào để có hiệu quả, kết quả của cả giai đoạn dài áp dụng nguồn gen mới, phương pháp quản lý mới có ảnh hưởng đến tiềm năng di truyền của toàn quần thể như thế nào cần phải trả lời rõ. Mặt khác, công tác quản lý giống trên bò sữa, công tác chọn tạo và sử dụng đực giống, xây dựng đàn hạt nhân… trong thời gian qua đã đạt được hiệu quả đến mức ra sao vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào đề cập và chưa có báo cáo nào đánh giá một cách khách quan và tin cậy.

Để tiếp tục giải quyết những vấn đề nêu trên và đáp ứng yêu cầu của ngành chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu tại Viện Chăn nuôi do TS. Phạm Văn Giới dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Đánh giá tiềm năng di truyền về sản lượng sữa của đàn bò có nguồn gốc Holstein Friesian nuôi tại Việt Nam” trong thời gian từ năm 2012-2016.

Nghiên cứu nhằm đánh giá tiềm năng di truyền về sản lượng sữa thông qua việc ước tính giá trị giống phục vụ công tác chọn giống nhằm nâng cao sản lượng sữa của đàn bò có nguồn gốc Holstein Friesian (HF) nuôi tại Việt Nam.

Một số kết quả nghiên cứu:

- Vùng nuôi và nguồn gốc giống có ảnh hưởng rõ rệt đến sản lượng sữa chu kỳ 306 ngày và khoảng cách lứa đẻ của bò sữa có nguồn gốc HF khác nhau nuôi tại Việt Nam. Bò nuôi tại Mộc Châu - Sơn La cho sản lượng sữa cao, bò nuôi tại Lân Đồng vẫn cho sản lượng sữa còn hạn chế.

- Bò đực giống nguồn gốc châu Âu và châu Mỹ có tiềm năng di truyền tốt về sản lượng sữa và khoảng cách lứa đẻ, giá trị giống về sản lượng sữa chu kỳ 305 ngày cao hơn các nguồn khác. Bò cái giống chọn lọc và bò đực giống chọn lọc có tiềm năng di truyền về sản lượng sữa cao, tiềm năng sinh sản tốt do rút ngắn được khoảng cách lứa đẻ. Nguồn tinh dịch từ bò đực HF từ Israel và Hoa Kỳ thích hợp cho phối giống trên bò HF tại Mộc Châu; trong khi đó nguồn tinh dịch từ bò đực HF từ Canada và Hoa Kỳ thể hiện tiềm năng di truyền tốt và năng suất sữa trên bò HF tại Lâm Đồng.

- Hệ số di truyền về sản lượng sữa chu kỳ 305 ngày trên bò HF thuần ở mức có hệ số di truyền trung bình. Bò HF lai có hệ số di truyền của sản lượng sữa chu kỳ 305 ngày đạt mức hệ số di truyền cao. Ước tính trung bình trên đàn bò HF Việt Nam (HFVN-cả HF thuần và HF lai), hệ số di truyền về sản lượng sữa chu kỳ 305 ngày đạt mức hệ số di truyền có độ lớn trung bình. Như vậy để nâng cao có hiệu quả năng suất sữa cho đàn bò HFVN cần áp dụng song song cả biện pháp giống và điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng

- Tiềm năng di truyền về sản lượng sữa trên đàn bò cái của cả HF thuần và HF lai có chiều hướng tăng lên qua các năm. Các quyết định nhập giống bò HF của chính phủ là hoàn toàn chính xác và đi đúng hướng, đáp ứng được nhu cầu phát triển bò sữa. Công tác giống trên bò sữa nguồn gốc HF với tính trạng này trong thời gian qua đã có hiệu quả tích cực. Tiềm năng di truyền của khoảng cách lứa đẻ không thay đổi, chưa thấy hiệu quả chọn lọc và ảnh hưởng của công tác giống bò sữa đối với chỉ tiêu này.

- Đàn bò cái giống chọn lọc có nguồn gốc HF thuần và HF lai có sản lượng sữa cao và tiềm năng di truyền tốt, phù hợp để xây dựng đàn giống hạt nhân cho các cơ sở sản xuất giống bò sữa.

Việc thực hiện đề tài là cấp bách cả về mặt khoa học và thực tiễn trong chăn nuôi bò sữa.

Nguồn: most.gov.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả