SpStinet - vwpChiTiet

 

Hệ thống hỗ trợ giám sát thai phụ đái tháo đường thai kỳ

Là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Thành phố, do trường Đại học Công Nghiệp TP.HCM chủ trì thực hiện, PGS.TS. Huỳnh Trung Hiếu làm chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2020.

Những thành tựu về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã và đang có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác nhau trong đó bao gồm cả giáo dục và y tế, phục vụ cho thành phố, hướng tới xây dựng thành phố thông minh. Tuy nhiên việc phát triển các hệ thống hỗ trợ thu thập dữ liệu sức khỏe vẫn còn nhiều thách thức bao gồm yêu cầu kết nối, sự đa dạng về thông số và cấu trúc dữ liệu, tỷ lệ và sự phân bố của bệnh nhân,… Bên cạnh đó, việc phát triển các hệ thống cũng như các công cụ hỗ trợ các bác sĩ, các chuyên gia y tế không ngừng được quan tâm với yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi khả năng cấu hình linh động trong thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu phục vụ cho điều trị người bệnh cũng như các hoạt động nghiên cứu.

Trong đề tài "Hệ thống hỗ trợ thu thập và trực quan hóa thông tin sức khỏe: ứng dụng giám sát thai phụ đái tháo đường thai kỳ", nhóm tác giả đã phát triển một hệ thống IoH (Information of Health) cung cấp nền tảng hỗ trợ thu thập, xử lý, phân tích và trực quan hóa thông tin sức khỏe. Hệ thống cho phép các bác sĩ, các chuyên gia y tế có thể cấu hình các hình thức thu thập một cách linh động, trực quan, đồng thời cho phép cấu hình trực quan hóa các chỉ số cần giám sát. Hệ thống cũng cho phép tích hợp dữ liệu từ nhiều trung tâm khác nhau và thu thập với nhiều phương thức khác nhau như dịch vụ internet, tin nhắn SMS, dịch vụ AI (trí tuệ nhân tạo),…

IoH đã được triển khai sử dụng thử nghiệm tại Bệnh viện Hùng Vương để hỗ trợ theo dõi, nhắc nhở và thu thập chỉ số đường huyết thai phụ (đái tháo đường thai kỳ). Kết quả cho thấy khả năng tiếp nhận cao từ phía bệnh nhân và nhân viên y tế. IoH cho phép thai phụ nhập chỉ số đường huyết, nhận tin nhắn nhắc nhở thử đường huyết, ghi nhận đường huyết, xem biến đổi đường huyết bằng các giao diện trực quan, dễ hiểu. Hệ thống nhắc nhở bằng SMS giúp nhân viên y tế chủ động nhắc nhở bệnh nhân thực hiện y lệnh đo đường huyết khi đến giờ; thu thập thông tin từ bệnh nhân để tạo cơ sở dữ liệu cho bệnh viện và hỗ trợ tư vấn bệnh nhân. Hệ thống cũng giúp bác sĩ dễ dàng theo dõi, giám sát tình trạng của từng bệnh nhân, trực quan hóa các chỉ số cần giám sát, nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị. Với việc sử dụng IoH trên bệnh nhân nội trú, cần có sự khuyến khích sử dụng phần mềm như một hình thức lưu trữ số liệu điện tử bên cạnh bệnh án giấy để số liệu được thu thập đầy đủ hơn và các chế độ thiết lập được ghi nhận chính xác hơn.

Hệ thống sẽ tiếp tục được hoàn thiện và triển khai nhân rộng cho các cơ sở y tế khác, không chỉ hỗ trợ theo dõi các chỉ số đường huyết mà còn các chỉ số khác. Ngoài ra, IoH có thể ứng dụng vào việc quản lý đối tượng nghiên cứu, quản lý bệnh nhân bệnh mãn tính hoặc tiêm ngừa vaccine, cần được nhắc nhở lịch hẹn tự động.

Việc nghiên cứu đề tài này cũng sẽ làm nền tảng để phát triển các nghiên cứu tiếp theo trong y tế nhằm nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị, đáp ứng nhu cầu phát triển các dịch vụ CNTT cho thành phố, hướng tới xây dựng một thành phố thông minh. So với các sản phẩm tương tự, sản phẩm đề tài đã khai thác những điểm mạnh của các công nghệ hiện đại, bao gồm kubernetes, microservice, Json, trực quan hóa trên nền Web, Oauthen2,… Điều này làm tăng khả năng tích hợp, mở rộng, bảo mật, xác thực, phân quyền; tăng khả năng mở rộng triển khai, ứng dụng ở các đơn vị khác.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả