SpStinet - vwpChiTiet

 

Xử lý bùn thải của nhà máy sản xuất bia làm phân bón hữu cơ

Nhóm tác giả từ Viện Môi trường Nông nghiệp (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội), Viện Công nghệ Môi trường và Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu, đánh giá các đặc tính sinh hóa và tiềm năng xử lý bùn thải của nhà máy bia làm phân bón hữu cơ cho cây trồng nhằm cải thiện nguồn dinh dưỡng cho đất cũng như bảo vệ môi trường.

Bia là một trong các loại đồ uống lâu đời mà con người tạo ra và được tiêu thụ nhiều nhất thế giới. Công nghệ sản xuất bia sử dụng rất nhiều nước, nhưng đến 70% lượng nước này sẽ được thải ra sau sản xuất. Sau khi nước thải được lắng tụ, lượng chất thải khô (bùn thải bia) chiếm khoảng 10% tổng thể tích.

Bùn thải nhà máy bia gồm nhiều chất hữu cơ có giá trị dinh dưỡng rất cao mà phân hữu cơ thông thường không có. Tuy nhiên, nếu thải trực tiếp vào đất mà không qua xử lý sẽ làm mất oxy trong đất, gây hại đến hệ vi sinh vật có sẵn và lan truyền mầm bệnh, vi sinh vật có hại ra môi trường. Do vậy, hiện đã có rất nhiều biện pháp xử lý bùn thải bia như sử dụng hóa chất, chôn lấp, ủ đống,…Trong đó, việc xử lý theo phương pháp sinh học (ủ compost – sử dụng vi sinh vật có ích làm tác nhân sinh học) không chỉ đạt hiệu quả cao, rút ngắn thời gian ủ, hạn chế ô nhiễm môi trường mà sản phẩm tạo thành sau khi xử lý còn có thể sử dụng như nguồn phân bón có chất lượng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, với đặc tính bùn thải của nhà máy bia Sài Gòn chứa hàm lượng chất hữu cơ khá cao (33,74–33,87%), hàm lượng nitơ tổng số cao (1,378–3,85%), Kali đạt mức trung bình (0,133–0,411%) và lân tổng số ở mức nghèo (0,039–0,12%); sau 30 ngày xử lý bùn bằng chế phẩm vi sinh vật, quá trình ủ đã làm thay đổi hàm lượng các chất trong bùn và loại bỏ vi sinh vật gây bệnh. Phân ủ đạt tiêu chuẩn phân bón hữu cơ theo Nghị định 84/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Khi nghiên cứu sử dụng thí nghiệm trên cây đậu cove trong chậu vại, rễ cây phát triển tốt hơn và trọng lượng quả cao hơn 23,6% so với đối chứng.

Nội dung nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam, số 4, năm 2020, hiện đang lưu giữ tại kho tư liệu của Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI)

Trong tạp chí này còn nhiều nghiên cứu đáng chú ý khác, như:

  1. Kết quả nghiên cứu chọn tạo và khảo nghiệm giống Ngô đường lai ĐL89
  2. Ảnh hưởng của tưới nước mặn đến sinh trưởng và năng suất vừng đen
  3. Ảnh hưởng của một số cơ chất đến sinh trưởng hệ sợi và hình thành quả thể nấm hương
  4. Đánh giá đặc điểm nông sinh học nguồn gen cam Tây Giang tại Quảng Nam
  5. Khảo sát, đánh giá đặc điểm nông học và năng suất của các tổ hợp ngô lai triển vọng tại Hà Nội và Hòa Bình

Quý bạn đọc có thể bấm vào tên bài để tham khảo nội dung chi tiết; hoặc tra cứu các cơ sở dữ liệu của CESTI để tìm tài liệu theo yêu cầu của riêng mình, tại địa chỉ: http://cesti.gov.vn/thu-vien/1/tra-cuu-chung.

Uyên Trang (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả