SpStinet - vwpChiTiet

 

Hiệu quả chương trình chăm sóc liên tục trên người bệnh tăng huyết áp

Là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Thành phố, do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Y dược An Sinh chủ trì thực hiện, ThS. Huỳnh Thị Phượng là chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2020.

Tăng huyết áp (THA) là một trong các bệnh mạn tính không lây (NCDs), chiếm tỉ lệ cao trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam; cũng là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh mạch vành, suy tim, đột quỵ và bệnh mạch máu ngoại biên. Tuân thủ dùng thuốc điều trị, thay đổi hành vi sức khỏe như giảm sử dụng muối ăn, vận động thể lực là chủ yếu trong việc kiểm soát huyết áp mục tiêu. Tuy nhiên việc điều trị và kiểm soát huyết áp tối ưu tại các cơ sở y tế vẫn chưa đạt tỉ lệ cao. Rất nhiều nguyên nhân đưa đến tình trạng người bệnh không tiếp tục điều trị, hoặc không tuân thủ điều trị, hơn nữa do tác động nhiều yếu tố liên quan đến lối sống, chế độ ăn uống và vận động cho đến giai đoạn có biến chứng, người bệnh mới quan tâm.

Để đạt được hiệu quả tối ưu trong điều trị bệnh THA, người bệnh cần phải được can thiệp từ hệ thống y tế nhằm tác động lên nhận thức của người bệnh về các yếu tố gây nguy cơ và diễn biến bất lợi của bệnh. Chương trình chăm sóc sức khỏe liên tục cũng là một trong hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe cho người bệnh có các bệnh NCDs nói chung và bệnh THA nói riêng, góp phần vào công tác dự phòng, nâng cao sức khỏe người dân. Hiện nay, tại một số cơ sở y tế, đặc biệt là bệnh viện tư nhân áp dụng chương trình này, chăm sóc và theo dõi người bệnh liên tục, nhằm nhắc nhở người bệnh tuân thủ điều trị và tái khám đúng thời gian.

Với đề tài nêu trên, nhóm tác giả tiến hành đánh giá hiệu quả của chương trình chăm sóc liên tục trên người bệnh THA đang điều trị ngoại trú tại các phòng khám nội trong 5 bệnh viện tại TP.HCM: Thống Nhất, Tân Phú, Quận 11, Quận 2 và bệnh viện An Sinh. Theo đó, tổng số 413 người bệnh THA điều trị ngoại trú đồng ý tham gia vào chương trình, được chia ngẫu nhiên thành 2 nhóm: 206 người bệnh trong nhóm can thiệp (CT) được chăm sóc liên tục theo chương trình (được điều dưỡng gặp trực tiếp 5 lần và gọi điện thoại 9 lần để nhận định, hướng dẫn, khuyến khích người bệnh tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe); 207 người bệnh nhóm chứng (NC) được thu thập số liệu lần đầu, sau 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng theo dõi và chăm sóc theo quy trình của mỗi bệnh viện.

Kết quả cho thấy, tỉ lệ đạt huyết áp chung tâm thu và tâm trương của nhóm CT tăng (từ 35,9% lên 66,0%) và tăng cao hơn nhóm NC (từ 45,9% giảm còn 38,2%). Phân tích riêng tỉ lệ huyết áp tâm thu đạt mục tiêu của nhóm CT tăng (từ 35,9% lên 66,0%), tăng nhiều hơn so với nhóm NC (31,4%) tăng lên 38,2%, và tăng gấp 1,36 lần so với trước can thiệp. So sánh tỉ lệ đạt huyết áp tâm trương của nhóm CT tăng (từ 66,0% lên 95,1%), tăng nhiều hơn so với nhóm NC (từ 61,8% tăng 73,4%), và tăng cao gấp 1,96 lần so với trước can thiệp.

Kết quả tỉ lệ tuân thủ thuốc điều trị của nhóm CT tăng (45,1% lên 88,3%) so với nhóm NC tăng (từ 46,9% lên 75,4%), và tăng gấp 1,48 lần so với trước chương trình; tỉ lệ hành vi sử dụng rau củ quả hợp lý trong nhóm CT tăng (từ 54,9% lên 82,5%) so với nhóm NC tăng (từ 56,5% lên 68,6%), và tăng cao gấp 1,19 lần so với trước can thiệp. Ngoài ra, tỉ lệ hành vi sử dụng muối ăn hợp lý tăng (từ 9,2% lên 78,6%), so với nhóm NC tăng (từ 5,3% lên 51,7%), và tăng cao gấp 1,39 lần so với trước can thiệp. Tỉ lệ chỉ số khối cơ thể BMI bình thường không tăng, duy trì ở mức 30,7% trong thời gian 9 tháng của nhóm CT, so với nhóm NC tỉ lệ chỉ số khối cơ thể BMI bình thường giảm nhẹ (từ 31,4% xuống còn 29,0%). So sánh vận động thể lực của NB tăng huyết áp cho thấy tỉ lệ vận động phù hợp tăng nhiều (từ 55,8% lên 75,2%) trong nhóm CT, so với nhóm NC tăng nhẹ (từ 55,6% lên 66,2%).

Phân tích từ tổng số 69 người bệnh có sử dụng rượu/bia trong mỗi nhóm nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ sử dụng rượu/bia hợp lý tăng trong nhóm CT (từ 94,2% lên 98,6%), so với nhóm NC tăng (từ 89,9% lên 97,1%); số lượng người bệnh có hút thuốc lá trong nhóm CT là 31 và nhóm NC là 33 người bệnh; tỉ lệ không phụ thuộc hút thuốc lá tăng dần trong 9 tháng thực hiện chương trình trong nhóm CT tăng (từ 45,2% lên 64,5%), so với nhóm NC tăng (từ 36,4% lên 45,5%), chưa có người bệnh nào cai nghiện được hút thuốc lá.

Ngoài ra, kết quả chất lượng cuộc sống của nhóm CT và nhóm NC tương đồng lúc bắt đầu chương trình, sau 9 tháng chỉ số trung bình chất lượng cuộc sống tăng cao trong nhóm CT, trong khi đó nhóm NC tăng nhẹ và giảm về sức khỏe tinh thần, các chỉ số khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Hơn nữa, điểm số người bệnh hài lòng về chương trình chăm sóc liên tục ở mức độ cao 4,39 ± 0,47.

Qua kết quả đề tài cho thấy, tuân thủ điều trị thuốc, tăng tỉ lệ hành vi sử dụng rau củ quả, muối ăn hợp lý và tăng chất lượng cuộc sống, có thể tác động lên hiệu quả tăng tỉ lệ đạt huyết áp mục tiêu trong nhóm CT. Từ hiệu quả trên có thể chứng minh chương trình chăm sóc liên tục trên người bệnh tăng huyết áp do điều dưỡng quản lý đạt hiệu quả. Chương trình chăm sóc liên tục có thể tiếp tục nghiên cứu chứng minh hiệu quả chi phí của chương trình. Ngoài ra, có thể triển khai thử nghiệm tại các phòng khám, đặc biệt là phòng khám bác sỹ gia đình tại các cơ sở y tế.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả