SpStinet - vwpChiTiet

 

Sức khỏe răng miệng của cư dân TP.HCM và các yếu tố liên quan

Là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Thành phố, do Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM chủ trì thực hiện, TS.BS. Hoàng Trọng Hùng và BS.CKII. Nguyễn Đức Minh làm chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2019.

Đề tài tiến hành với các đối tượng nghiên cứu là trẻ em 5 tuổi, 12 tuổi và 15 tuổi; cư dân TP.HCM ở các nhóm tuổi 25-34 tuổi, 35-44 tuổi và trên 65 tuổi, sống ở các vùng địa lý khác nhau của TP.HCM. Các nội dung nghiên cứu tập trung vào: sức khỏe răng miệng và các chỉ tố nha xã hội của cư dân (tình trạng bệnh sâu răng, tình trạng vệ sinh răng miệng, tình trạng răng hàm giả, tình trạng bệnh nha chu, tình trạng tổn thương niêm mạc miệng, tác động của các vấn đề răng miệng lên chất lượng cuộc sống, các chỉ tố sức khoẻ răng miệng) của các nhóm tuổi nêu trên.

Theo đó, 80,3% cư dân ở nhóm tuổi 25-34 tại TP.HCM bị sâu răng. Trung bình SMT-R (sâu-mất-trám răng) của cư dân nhóm tuổi này là 4,18. Trung bình SMT-R của cư dân ở vùng trung tâm, vùng cận trung tâm và ngoại thành của thành phố lần lượt là 2,82; 3,61 và 5,28. Trung bình SMT-MR (sâu-mất-trám mặt răng) của dân 25-34 tuổi là 12,09. Trung bình SMT-MR của cư dân ở vùng trung tâm, vùng cận trung tâm và ngoại thành của thành phố lần lượt là 5,78; 10,11 và 16,59. Chỉ số vệ sinh răng miệng có điểm số trung bình OHI-S là 1,18, xếp mức độ vệ sinh răng miệng trung bình. Tỷ lệ % vệ sinh răng miệng kém và trung bình là 41,1% và vệ sinh răng miệng tốt là 58,9%. Tình trạng mang hàm giả và nhu cầu mang hàm giả của cư dân 25-34 tuổi tại TP.HCM rất thấp (1,7% có mang hàm giả tháo lắp bán phần); 0,2% cá thể bị mất răng toàn bộ; 1,1% cá thể còn không quá 19 răng trên cung hàm. Về bệnh nha chu, 49,8% bị viêm nướu (có sự khác biệt về tỷ lệ % viêm nướu của cư dân 25-34 tuổi sống giữa 3 vùng hành chánh khác nhau của TP.HCM); tỷ lệ bị viêm nha chu là 5,7% (không có sự khác biệt về bệnh viêm nha chu của dân nhóm tuổi này sống giữa 3 vùng của thành phố).

Các chỉ số sức khỏe răng miệng cư dân nhóm 25-34 tuổi cho thấy: 38,7% có đau răng trong vòng một năm trở lại đây (tỷ lệ này tương ứng là 30,7%, 38%, và 42,9% ở vùng trung tâm, cận trung tâm, và ngoại thành TP.HCM); 91% có chải răng ít nhất 2 lần/ngày (không có sự khác biệt về tần suất chải răng của cư dân 3 vùng của thành phố); 100% có sử dụng bàn chải đánh răng, 48,2% có dùng tăm xỉa răng nhưng chỉ có 13,7% có sử dụng chỉ tơ nha khoa; tỷ lệ có đi khám răng trong vòng 6 tháng trở lại là 19,9%, trong đó cư dân ở vùng trung tâm của thành phố có tỷ lệ đi khám răng này là 29,7%; 13,8% cư dân có thói quen hút thuốc lá (tỷ lệ này tương ứng là 16,8% ở vùng trung tâm; 14,4% ở vùng cận trung tâm; và 12% ở vùng ngoại thành).

Đối với cư dân nhóm tuổi 35-44: có 94% bị sâu răng, trung bình SMT-R là 8,36 (trung bình SMT-R ở vùng trung tâm, vùng cận trung tâm và ngoại thành lần lượt là 7,59; 7,04 và 10,19). Trung bình SMT-MR là 33,11 (trung bình SMT-MR ở vùng trung tâm, vùng cận trung tâm và ngoại thành lần lượt là 29,47; 26,74 và 41,96; có sự khác biệt về trung bình SMT-MR của cư dân giữa 3 vùng). Điểm số trung bình OHI-S là 1,44, xếp mức độ vệ sinh răng miệng trung bình; 54,5% cư dân nhóm này có tình trạng vệ sinh răng miệng tốt. Về tình trạng bệnh nha chu: 49% cư dân nhóm tuổi 35-44 bị viêm nướu; 12,6% bị viêm nha chu. Các chỉ tố sức khỏe răng miệng: 46,5% có đau răng trong vòng một năm trở lại đây; 91,1% có chải răng ít nhất 2 lần/ngày; 99,9% có sử dụng bàn chải đánh răng, 67,5% có dùng tăm xỉa răng nhưng chỉ có 6,7% có sử dụng chỉ tơ nha khoa; tỷ lệ có đi khám răng trong vòng 6 tháng trở lại là 18,9%;...

Ở nhóm cư dân trên 65 tuổi, 97,9% bị sâu răng, trung bình SMT-R là 17,20 (trung bình SMT-R ở vùng trung tâm, vùng cận trung tâm và ngoại thành lần lượt là 17,45; 13,96 và 19,99). Trung bình SMT-MR là 76,36 (vùng trung tâm, vùng cận trung tâm và ngoại thành lần lượt là 74,54; 62,64 và 90,79). Tỷ lệ vệ sinh răng miệng kém và trung bình là 60%; vệ sinh răng miệng tốt là 40%. Về bệnh nha chu, 44,7% bị viêm nướu; 14,5-23,9% có bệnh viêm nha chu;…

Đối với nhóm trẻ 5 tuổi: 73,4% có bệnh sâu răng sữa; 25,1% có tình trạng vệ sinh răng miệng kém, 70,6% có vệ sinh răng miệng trung bình và 12,8% vệ sinh răng miệng tốt;… Nhóm trẻ 12 tuổi có 55,1% bị sâu răng; 10,2% có tình trạng vệ sinh răng miệng kém, 77,2% có vệ sinh răng miệng trung bình và 12,6% vệ sinh răng miệng tốt; 67,5% có chảy máu nướu; tỷ lệ răng nhiễm Fluor ở trẻ 12 tuổi ở mức độ rất nhẹ trở lên là 6,5%;… Ở nhóm trẻ 15 tuổi: 61,8% trẻ bị sâu răng; trung bình SMT-R là 2,95, trung bình SMT-R ở vùng trung tâm, vùng cận trung tâm và ngoại thành của thành phố lần lượt là 2,60; 1,93 và 3,44. Trung bình SMT-MR là 4,91, trung bình SMT-MR ở vùng trung tâm, vùng cận trung tâm và ngoại thành lần lượt là 3,54; 2,71 và 6,29. Nhóm này có 8,8% vệ sinh răng miệng kém, 73,3% vệ sinh răng miệng trung bình và 18% vệ sinh răng miệng tốt; 63,7% có chảy máu nướu; tỷ lệ răng nhiễm Fluor ở trẻ 15 tuổi ở mức độ rất nhẹ trở lên là 5,3%;…

Dựa trên kết quả nghiên cứu này, nhóm tác giả đưa ra một số kiến nghị:

(1) Tỷ lệ cao về bệnh răng sâu không được điều trị của trẻ em và cả người trưởng thành tại TP.HCM cho thấy, bệnh sâu răng vẫn là một gánh nặng cho cá nhân, gia đình và xã hội hiện nay. Thành phố cần có những chính sách điều trị răng miệng ban đầu, trong đó bao gồm trám các răng sâu ngà và phục hồi những mất chất của mô răng sớm nhất do bệnh sâu răng gây ra; tích hợp việc điều trị răng sâu sớm vào bảo hiểm y tế của toàn dân.

(2) Đẩy mạnh công tác dự phòng bệnh răng miệng, tập trung vào những cộng đồng ưu tiên như vùng ngoại thành của thành phố. Cần có những chương trình tăng cường sức khoẻ răng miệng cụ thể dành cho trẻ em, thanh thiếu niên, người trưởng thành và cư dân cao tuổi dựa trên mô hình bệnh tật răng miệng của từng đối tượng.

(3) Tỷ lệ cao của cư dân trẻ em và người lớn, đặc biệt là người cao tuổi có vệ sinh răng miệng kém cho thấy cần có những chương trình truyên tuyền giáo dục và hướng dẫn vệ sinh răng miệng cho cộng đồng. Thành phố cần có một chương trình hướng dẫn vệ sinh răng miệng và nhấn mạnh việc “trao quyền” vệ sinh này từ các nhà chuyên môn răng hàm mặt đến người dân, đặc biệt là trẻ ở học đường.

(4) Tỷ lệ rất cao trẻ em trong độ tuổi thanh thiếu niên có tình trạng sai lệch khớp cắn và nhu cầu điều trị chỉnh hình răng miệng cho thấy nên đưa các chương trình dự phòng sai lệch khớp cắn sớm vào chương trình chăm sóc răng miệng cho học sinh tại các trường tiểu học; phối hợp các ban ngành răng hàm mặt trong việc thiết lập mạng lưới xử trí sớm sai lệch khớp cắn và dự phòng sai lệch khớp cắn cho học sinh, giảm thiểu gánh nặng kinh tế của phụ huynh về chi phí điều trị chỉnh nha toàn diện cho trẻ sau này.

(5) Tỷ lệ cao các vấn đề răng miệng của người cao tuổi tại TP.HCM (sâu răng, nha chu, mất răng,…) sẽ đặt ngành răng hàm mặt thành phố vào những thách thức nhất định trong bối cảnh gia tăng dân số người cao tuổi hiện nay. Thành phố cần có chính sách hỗ trợ chăm sóc răng miệng cho người cao tuổi, tích hợp bảo hiểm y tế và bảo hiểm điều trị nha khoa cơ bản cho nhóm dân số này. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo bác sĩ răng hàm mặt cần chú trọng đến vấn đề sức khoẻ răng miệng trầm trọng của người cao tuổi và năng lực giải quyết các vấn đề răng miệng ban đầu cơ bản cho các bệnh nhân cao tuổi.

(6) Sự phân tầng về nguồn lực bác sĩ răng hàm mặt/dân cũng như cán bộ răng hàm mặt/dân cho thấy nguồn lực răng hàm mặt của thành phố chủ yếu tập trung ở vùng trung tâm; các vùng xa trung tâm hay ngoại thành của thành phố, đặc biệt vùng ngoại thành gần như rất thấp, trong khi các vấn đề răng miệng của cư dân ở các địa phương này trầm trọng hơn rất đáng kể so với người dân hay trẻ em sống ở vùng trung tâm của thành phố. Do đó, cần có chính sách về việc phân bổ nguồn lực bác sĩ răng hàm mặt phù hợp trên địa bàn thành phố đáp nhu cầu chăm sóc răng miệng ngày càng cao của người dân.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả