SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu mô hình nuôi tôm kết hợp xử lý nước thải bằng thực vật thủy sinh rong đuôi chồn

Đề tài do các tác giả Lâm Vĩnh Sơn, Nguyễn Ái Quốc (Đại học Kỹ Thuật Công Nghệ TP.HCM) thực hiện nhằm nghiên cứu sự phát triển của rong đuôi chồn và khả năng xử lý ô nhiễm trên mô hình các bể nhỏ nhân tạo; ứng dụng vào thực tế để xử lý nước thải nuôi tôm; tái sử dụng nguồn nước tạo chu trình nuôi tôm khép kín; tạo nguồn hữu cơ trong chăn nuôi gia cầm và làm phân compost.

Qua quá trình khảo sát cho thấy, hiệu suất xử lý của rong đuôi chồn đối với nguồn nước thải sau nuôi tôm là khá cao. Rong đuôi chồn cho hiệu quả xử lý tốt đối với điều kiện địa lý, điều kiện tự nhiên của khu vực nuôi tôm. Rong đuôi chồn hấp thu chất dinh dưỡng và các nguyên tố cần thiết cho quá trình trao đổi chất. Toàn bộ rễ, thân, lá là nơi cư trú của vi khuẩn tạo nên một phức hợp xử lý ô nhiễm hiệu quả. Tuy nhiên, khả năng tăng sinh khối của thực vật thủy sinh rất cao, khi xảy ra hiện tượng phú dưỡng sẽ làm thay đổi rất lớn hệ sinh thái nước và thường ảnh hưởng xấu đến môi trường nước. Khi đó nước sẽ nghèo oxy và các dưỡng khí khác, làm đảo lộn hệ sinh thái nước, nước tăng mùi khó chịu, pH của nước giảm.

Do đó, chúng ta phải có những biện pháp kiềm hãm sự phát triển này, luôn giữ chúng trong một trật tự có kiểm soát. Một số biện pháp có thể áp dụng như sau:

Trong quá trình sử dụng rong đuôi chồn để xử lý ô nhiễm thì cần có công tác quản lý để tránh hiện tượng rong phát tán ra môi trường sông ngòi. Không nên thải bỏ chúng mà nên tận dụng làm thức ăn cho gia cầm hay dùng làm phân compost.

Thực hiện thường xuyên công tác thu hái rong. Công tác này có thể dùng tay hoặc sử dụng các cây sào dài có gắn dụng cụ cắt và dùng vợt để vớt. Công tác này có thể tốn nhân công nhưng tiết kiệm được chi phí hóa chất và tận dụng nguồn hữu cơ từ rong.

Biện pháp xử lý rong đáy hiệu quả nhất là dùng lưới kéo rong ra khỏi ao, dùng vợt vớt những rong nổi chết trên mặt nước, ở cuối ao, tránh để cho rong chìm lại xuống ao. Sau đó nâng mực nước ao lên >1 m và gây lại màu nước, giúp tảo phát triển tạo màng che ngăn chặn sự chiếu sáng của mặt trời xuống đáy ao. Sử dụng hóa chất: biện pháp này chủ yếu sử dụng để loại rong hiện diện trong ao nuôi tôm khi mật độ của chúng vượt quá tầm kiểm soát làm ảnh hưởng đến điều kiện sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi. Một số hóa chất thường sử dụng là các loại hóa chất như đồng sulphat (CuSO4), BKC, Formol… Tuy nhiên, biện pháp này chỉ có hiệu quả tức thời, sau một thời gian rong vẫn tiếp tục phát triển. Không những thế, khi sử dụng hóa chất diệt rong, sẽ gây ra tình trạng rong chết hàng loạt và nếu xử lý không kỹ thì sự phân hủy của lượng rong lớn này sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tôm nuôi và chất lượng môi trường nước ao…
 
LV (nguồn: Kỷ yếu hội thảo khoa học, ĐH Tôn Đức Thắng, 5/2012)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả