SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu dịch tễ học động kinh tại nội thành TP.HCM

Là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Thành phố, do Bệnh viện 30-4 chủ trì thực hiện, ThS. Phạm Hồng Đức làm chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2020.

Động kinh là loại bệnh phổ biến, Tổ chức Y tế thế giới ước lượng khoảng 8 trong 1000 người trên thế giới bị động kinh, khoảng 10% dân số sẽ có một cơn động kinh trong suốt cuộc đời.

Vì là một bệnh mạn tính biểu hiện ở dạng hoạt động cơn, mà ở giai đoạn ngoài cơn bệnh nhân vẫn có thể sinh hoạt và tham gia các hoạt động xã hội bình thường. Do vậy, từ những năm đầu thế kỷ XX, điều trị động kinh chuyển hướng từ các bệnh viện, các trung tâm sang quản lý, điều trị động kinh chủ yếu tại cộng đồng. Tuy nhiên, việc điều trị tại cộng đồng cũng có những khó khăn trong việc quản lý giám sát sự chấp hành y lệnh của bệnh nhân. Lợi ích và hiệu quả cũng như hạn chế của mạng lưới điều trị động kinh tại cộng đồng ở Việt Nam nói chung chưa có đánh giá cụ thể.

Các nghiên cứu bệnh động kinh ở cộng đồng sẽ cung cấp các dữ liệu làm phong phú thêm hiểu biết của con người về bản chất tự nhiên của động kinh. Hoạt động này phản ánh nhu cầu khám chữa bệnh, làm cơ sở cho hoạch định kế hoạch chăm sóc sức khỏe, nâng cao hiệu quả quản lý, điều trị người bệnh và dự phòng các yếu tố nguy cơ làm giảm tỷ lệ mắc động kinh. Ở Việt Nam công tác điều tra dịch tễ học nói chung và bệnh động kinh nói riêng luôn là việc đòi hỏi cấp bách, các nghiên cứu về bệnh động kinh tại cộng đồng dân cư chưa có nhiều.

Với nhiệm vụ nghiên cứu nêu trên, nhóm tác giả đã thực hiện điều tra khảo sát ở 135.000 người dân. Kết quả cho thấy, tỷ lệ hiện mắc động kinh trong cộng đồng dân cư nội thành TP.HCM là 549/100.000, khoảng tin cậy (KTC) 95%, 510 – 589/100.000; tỷ lệ mắc mới là 49,6/100.000, KTC 95%, 39 – 62/100.000. Tỷ lệ hiện mắc cao nhất ở độ tuổi dưới 10 và 50 đến 59.

Động kinh khởi phát toàn thể chiếm 69,2%, động kinh khởi phát cục bộ chiếm 18,9%, động kinh không rõ khởi phát và không phân loại chiếm 11,9%. Tỷ lệ bệnh nhân động kinh có hình ảnh MRI, CT scan não bất thường chiếm 51,4%. Tỷ lệ bệnh nhân động kinh có kết quả ghi điện não bất thường là 46,8%. Tỷ lệ bệnh nhân động kinh được điều trị là 82,3%, bệnh nhân bỏ điều trị 12%, bệnh nhân chưa điều trị 5,7%.

Các nguyên nhân gây động kinh: bệnh lý mạch máu não chiếm tỷ lệ 14,2%, nhiễm khuẩn thần kinh 13,6%, chấn thương sọ não 12,8%, trong đó động kinh có liên quan đến bệnh lý mạch máu não có xu hướng gia tăng. Ngoài các nguyên nhân thường gặp như bệnh lý mạch máu não, nhiễm khuẩn thần kinh trung ương, chấn thương sọ não, nghiên cứu này cũng thấy một số bệnh nhân động kinh có nguyên nhân ít gặp và khó chẩn đoán như xơ cứng hồi hải mã, nguyên nhân do gen. Qua đó, cho thấy khả năng chẩn đoán động kinh của y tế TP.HCM đã đạt được nhiều thành tựu.

Thuốc chống động kinh được sử dụng nhiều là phenobarbital và valproate. Đối với phenobarbital, có 50,8% số bệnh nhân khảo sát được điều trị và quản lý tại trạm y tế phường hoặc trung tâm y tế quận. Tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ uống thuốc hàng ngày theo toa chiếm 72,5%, tỷ lệ uống thuốc không thường xuyên chiếm 14,7%, tỷ lệ bỏ điều trị chiếm 12%. Hiện nay, việc quản lý, điều trị bệnh nhân động kinh vẫn do ngành tâm thần quản lý, cấp phát thuốc miễn phí trực tiếp cho người bệnh tại trạm y tế, khoa tâm thần của trung tâm y tế quận hoặc tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM.

Kết quả điều trị động kinh có 34,9% cắt cơn, 53,2% thuyên giảm cơn, 11,9% kém hiệu quả hoặc hiệu quả không rõ.

Các tác giả kiến nghị cần nghiên cứu tiếp về động kinh để phân tích nguyên nhân gây động kinh ở những bệnh nhân chưa rõ căn nguyên; tránh dùng thuốc valproate ở phụ nữ bị động kinh đang trong độ tuổi sinh đẻ.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả