SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở TP.HCM

Là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Thành phố, do Viện Xã hội học chủ trì thực hiện, PGS.TS. Lê Ngọc Văn làm chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2020.

Cùng với những thành tựu to lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục đã đạt được, lãnh đạo TP.HCM đặc biệt quan tâm đến hạnh phúc của các gia đình. Thành phố hiện có 2,5 triệu hộ gia đình với sự phong phú đa dạng của các loại hình gia đình khác nhau: gia đình hạt nhân, gia đình mở rộng, gia đình cha mẹ đơn thân, gia đình nhập cư, gia đình đa văn hóa,… Hiện tại, Thành phố có nhiều hoạt động triển khai Đề án xây dựng gia đình hạnh phúc giai đoạn 2020-2030. Một trong số những hoạt động đó là xây dựng bộ tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc.

Các tác giả đã tiến hành điều tra khảo sát thực nghiệm xã hội học, chọn mẫu và đi sâu phân tích về tiêu chí gia đình hạnh phúc trên 3 lĩnh vực: đời sống kinh tế, vật chất và thể chất; các mối quan hệ gia đình – xã hội; đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh tín ngưỡng. Trên cơ sở đó, đề xuất bộ tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc và gợi mở một số chính sách xây dựng gia đình hạnh phúc ở TP.HCM hiện nay.

Theo đó, người dân khá hài lòng với cuộc sống gia đình của mình, tuy nhiên, mức độ hài lòng có sự khác biệt đáng kể giữa các lĩnh vực. Mức độ hài lòng cao nhất thuộc về lĩnh vực các mối quan hệ gia đình – xã hội, thấp nhất thuộc về lĩnh vực kinh tế, vật chất và thể chất của gia đình. Tương tự như vậy, các nhóm xã hội có học vấn và mức sống thấp, nhóm các gia đình công nhân, lao động tự do, gia đình nhập cư, có mức độ hài lòng thấp hơn nhóm học vấn cao, nhóm mức sống khá, nhóm các gia đình công chức, viên chức, gia đình bản địa về các tiêu chí liên quan đến kinh tế, vật chất. Chính vì thế, chính sách nâng cao hạnh phúc gia đình cũng không giống nhau đối với các nhóm xã hội và các loại hình gia đình. Các giá trị/tiêu chí mà gia đình lựa chọn liên quan đến quan niệm về hạnh phúc và bất hạnh không phân biệt nhóm xã hội và loại hình gia đình đều có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại nhưng các giá trị gia đình truyền thống được ưu tiên lựa chọn nhiều hơn.

Kết quả nghiên cứu chứng minh hai giả thuyết, được đề tài xây dựng dựa trên lý thuyết về sự hài lòng và lý thuyết hiện đại hóa và biến đổi văn hóa, là hoàn toàn đúng với thực tiễn TP.HCM.

Giả thuyết thứ nhất: “các hộ gia đình ở TP.HCM trong cuộc điều tra này khá hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Tuy nhiên, có sự khác biệt về mức độ hài lòng giữa các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Mức độ hài lòng cao nhất thuộc về các mối quan hệ gia đình – xã hội. Trong đó, mức độ hài lòng về các mối quan hệ giữa các thành viên gia đình cao hơn các mối quan hệ giữa gia đình với cộng đồng và xã hội. Tiếp theo là mức độ hài lòng thuộc lĩnh vực đời sống văn hóa tình thần, tâm linh tín ngưỡng. Mức độ hài lòng thấp nhất thuộc lĩnh vực đời sống kinh tế, vật chất và thể chất”. Giả thuyết thứ hai: “gia đình ở TP.HCM lựa chọn cả ba loại giá trị – giá trị cổ truyền, giá trị hiện đại và giá trị hậu hiện đại. Tuy nhiên, các giá trị cổ truyền vẫn được ưu tiên lựa chọn nhiều hơn so với giá trị hiện đại và hậu hiện đại”.

Thực trạng hạnh phúc, quan niệm về hạnh phúc và bất hạnh của các gia đình ở TP.HCM phản ánh đặc trưng văn hóa nổi trội của sự chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp cổ truyền sang xã hội công nghiệp và hiện đại. Đó là sự tiếp nối và lưu giữ các giá trị truyền thống trong đời sống gia đình hiện đại, đồng thời tiếp thu các giá trị nhân văn mới. Trong thực tế, các giá trị cổ truyền như hòa thuận vợ chồng, con cái hiếu thảo, anh em yêu thương đùm bọc,… vẫn tiếp tục được ưu tiên lựa chọn cho hạnh phúc gia đình. Bên cạnh đó, nhiều giá trị mới của xã hội hiện đại và hậu hiện đại cũng được gia đình Thành phố lựa chọn với những mức độ ưu tiên khác nhau. Sự đan xen giữa giá trị cổ truyền và giá trị hiện đại tạo nên tính đa dạng, phong phú trong bảng tiêu chí gia đình hạnh phúc của Thành phố. Có thể nói, sự chuyển đổi giá trị ở đây là sự chuyển đổi tiệm tiến, chứ không phải là đột biến. Đây có thể coi là sự chuyển đổi gia đình lý tưởng, giúp cho văn hóa gia đình không bị đứt gãy, vừa giữ gìn được bản sắc dân tộc,vừa không ngừng đổi mới và phát triển. Thực tế này một lần nữa minh chứng cho tính hợp lý của giả thuyết thứ hai của đề tài.

Ngoài ra, sự biến đổi của hệ giá trị gia đình biểu hiện ở tính phong phú và đa dạng của bảng tiêu chí gia đình hạnh phúc của Thành phố hiện nay cũng có tác động trở lại đối với gia đình và xã hội trên cả hai phương diện tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực, các tiêu chí hiện đại được gia đình lựa chọn làm cho đời sống gia đình ngày càng dân chủ hơn, quyền trẻ em, quyền tự do cá nhân cũng ngày càng được tôn trọng hơn. Đây không chỉ là vấn đề sống còn, mà còn hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình ở các xã hội đang hiện đại hóa và hậu hiện đại hóa. Tuy nhiên, vấn đề nào cũng có mặt trái của nó. Việc đề cao các giá trị kinh tế vật chất là xu hướng tất yếu của các xã hội đang trong quá trình chuyển đổi và xã hội cần đáp ứng nhu cầu kinh tế vật chất chính đáng của các gia đình để hỗ trợ các gia đình nâng cao hạnh phúc. Tuy nhiên, việc kiếm tiền bằng mọi giá, đặc biệt là kéo dài thời gian lao động quá mức và liên tục lại có tác hại không nhỏ đến sức khỏe và việc hưởng thụ hạnh phúc gia đình. Sự thiếu thốn vật chất trong một xã hội coi trọng tiền bạc, làm cho nhiều cặp vợ chồng cảm thấy hạnh phúc sẽ bị suy giảm nếu sinh con theo ý muốn, bởi vì thu nhập của họ không đủ nuôi con. Việc không muốn sinh thêm con, thậm chí không muốn sinh con tạo nên nguy cơ già hóa và suy thoái dân số. Đó là những biểu hiện không mong đợi.

Các tác giả đã đề xuất các tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc trong lĩnh vực đời sống kinh tế, vật chất và thể chất của gia đình theo thứ tự ưu tiên gồm: gia đình có sức khỏe tốt; gia đình có thu nhập ổn định và bảo đảm cuộc sống; các thành viên có việc làm đầy đủ; gia đình có nơi ở, nhà ở riêng; thời gian lao động hợp lý; vệ sinh, an toàn thực phẩm tốt; được sống trong môi trường tự nhiên trong lành, không ô nhiễm; đủ tiện nghi sinh hoạt; có ngân sách dự phòng khi cơ nhỡ; có hệ thống dịch vụ xã hội tốt; được ăn ngon, mặc đẹp.

Các tiêu chí gia đình hạnh phúc trong lĩnh vực các mối quan hệ gia đình - xã hội được đề xuất gồm: vợ chồng yêu thương/hòa thuận; con cái hiếu thảo; anh em yêu thương đùm bọc; cha mẹ tôn trọng ý kiến và sự lựa chọn của con; mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con; việc kết hôn là cần thiết; quan hệ họ hàng nội ngoại tốt; quan hệ láng giềng tốt; môi trường xã hội an ninh bảo đảm; chính quyền thân thiện, hỗ trợ lúc khó khăn; quy chế dân chủ ở cơ sở được tôn trọng.

Các tiêu chí gia đình hạnh phúc đề xuất trong lĩnh vực văn hóa tinh thần, tâm linh tín ngưỡng là: gia đình tuân thủ pháp luật và những quy định của nhà nước; coi trọng việc học hành, nâng cao hiểu biết; có thời gian dành cho việc nghỉ ngơi, thư giãn; gia đình sum họp, đoàn tụ; cởi mở, đón nhận cái mới; có các không gian công cộng trên địa bàn sinh sống; hoạt động hướng thiện; ông bà, cha mẹ sống cùng con cháu; quyền tự do tín ngưỡng được bảo đảm; mồ mả, nơi yên nghỉ của ông bà, tổ tiên được yên ổn.

Từ 3 nhóm tiêu chí này, các tác giả đã gợi mở một số vấn đề về chính sách cho 3 lĩnh vực của đời sống gia đình TP.HCM và phân loại các chính sách nâng cao hạnh phúc của gia đình Thành phố gồm: nhóm chính sách bảo đảm sự sinh tồn (các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe, bảo đảm công ăn việc làm cho các thành viên gia đình, thu nhập của gia đình, tích lũy tiền của gia đình để tiêu dùng lúc khó khăn); nhóm chính sách nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình (liên quan đến các vấn đề về cải thiện, nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ xã hội, bảo đảm môi trường sống tự nhiên trong lành, không ô nhiễm, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm,…); nhóm chính sách cấp bách (liên quan vấn đề việc làm, tệ nạn xã hội, nhà ở, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, hệ thống dịch vụ xã hội, thời gian lao động,…); nhóm chính sách đặc thù (ví dụ khuyến khích sinh đẻ đối với TP.HCM).

Để bộ tiêu chí và những gợi mở chính sách đi vào cuộc sống, nhóm tác giả khuyến nghị những hoạt động tiếp theo:

+ Xây dựng phương án thu thập ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, cơ quan chức năng, tổ chức chính trị - xã hội nhằm bổ sung, hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc của Thành phố mà đề tài đã đề xuất, thông qua các hình thức phiếu hỏi thăm dò ý kiến và các tọa đàm khoa học tại một số phường xã, quận huyện tiêu biểu.

+ Tổ chức hội thảo khoa học cấp Thành phố trình bày kết quả khảo sát ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, cơ quan chức năng, tổ chức chính trị - xã hội về bộ tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc của Thành phố.

+ Triển khai thí điểm bộ tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc tại một số phường xã tiêu biểu sau khi bộ tiêu chí được Thành phố phê duyệt để rút kinh nghiêm trước khi áp dụng trên diện rộng.

+ Việc ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ và thúc đấy hạnh phúc của gia đình cũng cần lấy ý kiến các cơ quan chức năng, các nhà hoạch định chính sách của Thành phố về tính cấp thiết và mức độ ưu tiên theo trật tự trước sau của các loại chính sách, các nhóm nhân khẩu xã hội và loại hình gia đình.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả