SpStinet - vwpChiTiet

 

Hiệu quả phòng trừ tuyến trùng sần rễ hồ tiêu của chế phẩm nấm Peacilomyces lilacinus

Nhóm nghiên cứu gồm Nguyễn Thị Hai, Chu Thị Bích Phượng, Đinh Thành Hiếu (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) thực hiện đánh giá hiệu quả gây chết tuyến trùng (Meloidogyne sp.) hại cây hồ tiêu của chế phẩm nấm Peacilomyces lilacinus sản xuất từ chủng Peacilomyces lilacinus HT1.

Tuyến trùng sần rễ (Meloidogyne sp.) là sinh vật gây hại trực tiếp đến sinh trưởng phát triển của cây hồ tiêu, ngoài ra chúng còn tạo điều kiện cho các loài nấm bệnh khác gây nhiều bệnh hại nguy hiểm cho cây hồ tiêu. Các phương pháp phòng trừ chủ yếu dựa vào hóa học nhưng hiệu quả không cao, đồng thời việc lạm dụng hóa học làm giảm chất lượng hồ tiêu. Chủng nấm P. lilacinus HT1 được phân lập từ đất vùng rễ của cây Jatropha bị tuyến trùng Meloidogyne sp. gây hại và được đánh giá có khả năng ký sinh cao trên tuyến trùng Meloidogyne sp.

Trong nghiên cứu này (đăng trên tạp chí Bảo vệ thực vật, số 3/2018), nhóm tác giả khảo sát hiệu quả gây chết tuyến trùng cái của chế phẩm nấm P. lilacinus trong phòng thí nghiệm và đánh giá khả năng phòng trừ tuyến trùng của chế phẩm trên đồng ruộng.

Kết quả cho thấy, trong điều kiện phòng thí nghiệm (nuôi cấy nấm trên các đĩa PDA, sau 5 ngày tiến hành cấy tuyến trùng cái Meloidogyne sp. với số lượng 8 tuyến trùng cái/đĩa, sau đó mỗi ngày thu lấy tuyến trùng cái có triệu chứng bị nấm ký sinh và quan sát sự lây nhiễm nấm P. lilacinus trên tuyến trùng cái), chế phẩm nấm P. lilacinus ký sinh 93,75 số tuyến trùng cái sau 5 ngày nhiễm nấm và 95,33% túi trứng của tuyến trùng Meloidogyne sp. sau 6 ngày nhiễm nấm. Ở điều kiện đồng ruộng, chế phẩm nấm P. lilacinus 1 x 108 bào tử/g (liều lượng 20kg/ha) cho hiệu lực đối với tuyến trùng trong đất trồng hồ tiêu là 73,67%, tương đương với hiệu lực của thuốc carbosulfan sau 2 tuần xử lý. Chỉ số bệnh vàng lá ở hồ tiêu được xử lý bằng chế phẩm nấm P. lilacinus sau 2 tuần cũng giảm hơn hẳn so với hồ tiêu không xử lý bằng chế phẩm nấm và có chiều hướng giảm hơn so với xử lý bằng thuốc hóa học. Do vậy, nấm P. lilacinus ngoài việc ký sinh lên tuyến trùng và túi trứng, còn có khả năng kích thích sự phát triển của cây, qua đó làm giảm khả năng nhiễm bệnh cho cây.

Nguồn: Tạp chí Bảo vệ Thực vật

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả