SpStinet - vwpChiTiet

 

Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định tiêu dùng thực phẩm sạch của người tiêu dùng TP.HCM

Nhóm tác giả Đặng Lê Hoa, Phạm Thị Thuyền, Hồ Thanh Tâm (Đại học Nông Lâm TP.HCM) thực hiện phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ý định tiêu dùng thực phẩm sạch (thực phẩm an toàn và thực phẩm hữu cơ) của người tiêu dùng TP.HCM với các công cụ phân tích chính gồm: nhân tố khám phá (EFA), nhân tố khẳng định (CFA) và mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM).

Nghiên cứu (được đăng trên Tạp chí NN&PTNT, tháng 12/2017) đã tiến hành với 431 người tiêu dùng đang sống và làm việc tại 6 quận của TP.HCM (1, 2, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú, Thủ Đức).

Kết quả cho thấy, ý định tiêu dùng thực phẩm sạch của người tiêu dùng TP.HCM chịu tác động khá lớn từ quan điểm của các cá nhân xung quanh họ như người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm. Ngoài ra, những yếu tố như niềm tin vào nhà sản xuất thực phẩm sạch và sự dễ dàng trong tiếp cận thực phẩm sạch, chất lượng bên trong và hình thức bên ngoài cũng như sự phổ biến của thực phẩm sạch trên các phương tiện truyền thông và trong tiêu dùng cũng có ảnh hưởng quan trọng đến ý định tiêu dùng thực phẩm sạch.

Từ đó, để nâng cao nhận thức của người dân và khuyến khích tiêu dùng thực phẩm sạch trong cộng đồng, cần ưu tiên chú trọng đến tác động của những người xung quanh đến ý định của người tiêu dùng. Lan tỏa thông tin về thực phẩm sạch và quản lý chất lượng thông tin đó là rất cần thiết. Ngoài ra, việc xây dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với các nhà sản xuất thực phẩm và chất lượng thực phẩm sạch được bán trên thị trường cũng rất quan trọng, đòi hỏi sự phối hợp giám sát chặt chẽ giữa nhà sản xuất và các cơ quan cấp chứng nhận thực phẩm an toàn hay hữu cơ. Để tạo niềm tin từ người tiêu dùng, vấn đề then chốt vẫn là đảm bảo chất lượng thực phẩm sạch và tạo các kênh phân phối sao cho việc tiếp cận thực phẩm sạch thuận lợi và dễ dàng.

Nguồn: Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả