SpStinet - vwpChiTiet

 

Đo vẽ bản đồ công trình ngầm đô thị bằng rađa xuyên đất

Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM gồm Đặng Hoài Trung, Lê Văn Anh Cường, Bùi Thị Thùy Linh… tiến hành thử nghiệm, kiểm tra và tìm vị trí của một số công trình ngầm vài đoạn đường tại TP. HCM (hệ thống cấp thoát nước, các loại cáp, cống rãnh,…) bằng rađa xuyên đất (GPR) nhằm góp phần tìm ra phương pháp thích hợp nhất để giải các bài toán về không gian ngầm ở TP.HCM.

Đối với TP.HCM, do các thông tin về công trình ngầm trước năm 1975 không đầy đủ và việc thiết kế các công trình bên dưới mặt đất ngày càng nhiều, cũng như sự thiếu nhất quán trong việc quản lý, nên thành phố đang đối mặt với nhiều khó khăn khi giải quyết các bài toán về không gian ngầm. GPR được xem là phương pháp thăm dò điện từ khá hiệu quả, cho phép định vị các vật thể bị chôn vùi trong phạm vi vài chục mét trở lại.

GPR hay Georadar là phương pháp địa vật lý hiện đại sử dụng sóng điện từ trong dải tần số cao từ khoảng 10 đến 3000MHz để nghiên cứu cấu trúc tầng nông. Do dải tần số hoạt động của phương pháp này rất cao, nên độ sâu khảo sát nhỏ hơn nhiều so với các phương pháp địa vật lý khác. Tuy nhiên, phương pháp này có ưu điểm là tốc độ khảo sát rất nhanh, độ phân giải và độ chính xác cao.

Qua quá trình thử nghiệm định vị hệ thống công trình ngầm đô thị bằng GPR của nhóm nghiên cứu cho thấy, GPR là phương pháp địa vật lý tối ưu có thể định vị tương đối chính xác các công trình bên trong lòng đất. Chương trình Reflex hoàn toàn có thể sử dụng rất tốt để xử lý dữ liệu GPR. Kết quả GPR bị hạn chế khi khảo sát trên vỉa hè và khi mặt đường bị ẩm ướt. Cần chọn được loại anten phù hợp với yêu cầu về cả độ phân giải và độ sâu của cuộc khảo sát. Quá trình minh giải tài liệu cần có nhiều kinh nghiệm và thông tin được cung cấp trước từ các đơn vị quản lý hệ thống công trình ngầm. Cần thực hiện thật sớm việc đo vẽ lại bản đồ công trình ngầm cho toàn thành phố. Để quản lý hệ thống công trình ngầm một cách tốt nhất cần kết hợp thêm GIS. Tuy nhiên, sai số quá lớn của hệ thống định vị là một bài toán khó.
LV (nguồn: Hội nghị Khoa học trẻ ĐHQG-HCM lần 1)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả