SpStinet - vwpChiTiet

 

Phòng chống mọt gạo bằng vi nhũ tương (Chitosan – dầu neem – dầu vỏ hạt điều)

Nghiên cứu được thực hiện bởi tác giả Nguyễn Thị Như Quỳnh (Viện Sinh học Nhiệt đới) với mục tiêu tạo được chế phẩm sinh học có khả năng phòng trừ mọt gạo hại kho Sitophilus oryzae, có hiệu quả cao, phương pháp xử lý đơn giản nhưng vẫn an toàn cho người sử dụng.

Đối với bảo quản lương thực trong kho ở Việt Nam, mọt gạo được xếp vào loại sâu hại nguy hiểm số một. Mọt gạo sinh sản rất nhanh, có khả năng thích nghi rộng với các điều kiện ngoại cảnh khác nhau, thời gian sống dài hơn các loại mọt khác và ăn hại tất cả các loại lương thực.

Để khắc phục tình trạng này, nhiều biện pháp đã được áp dụng tích cực, t cơ lý, hóa học cho đến sinh học. Phổ biến nhất là các biện pháp cơ lý ngay sau khi thu hoạch: phơi khô, sàng quạt để giảm tối đa độ ẩm. Sử dụng phổ biến nhất trong các kho nông sản là biện pháp xông hơi – khử trùng, do có nhiều ưu điểm như: dễ áp dụng ở quy mô lớn, phổ tiêu diệt rộng, hiệu quả nhanh tác dụng mạnh bằng các hóa chất phổ biến thuộc nhóm bay hơi độc như methyl bromide và phosphine. Tuy nhiên, nhược điểm rất lớn của các loại thuốc xông hơi là độc tính cao, dễ cháy nổ, nguy hiểm cho nhân viên khử trùng, vì thế, nó bị cấm sử dụng ở nhiều nước phát triển do khả năng gây tử vong cao.

Các vấn đề này cho thấy, việc tạo ra được những chế phẩm sinh học có tác dụng bảo quản kho, bãi, phòng trị côn trùng có hiệu quả, nhưng ít gây ô nhiễm môi trường cũng và an toàn cho người và động vật là một nhu cầu cấp thiết, có giá trị khoa học và thực tiễn.

Dầu neem được tách chiết từ hạt quả neem bằng phương pháp ép nguội chứa hoạt chất chính là azadirachtin có hoạt tính xua đuổi, gây ngán ăn mạnh, ức chế sinh trưởng và sinh sản của nhiều loại côn trùng gây hại, trong đó có côn trùng hại kho như mọt gạo. Dầu vỏ hạt điều cũng rất giàu các hợp chất polyphenol (trong đó anacardic, chiếm tới >70%) có hoạt tính diệt các loại côn trùng gây hại (thông qua cơ chế ức chế nhiều loại enzyme quan trọng trong sinh sản, và sinh trưởng như prostaglandin synthetase, tyrosinase, lypoxygenase, …).

Tuy nhiên, dầu neem lại vốn không tan trong nước, nên hiệu quả sử dụng chưa cao. Vì vậy, trong nghiên cứu này dầu neem được nhũ hóa bằng Tween 80 và span 80 sau đó bao bằng chitosan để có được các loại vi hạt có kích thước rất nhỏ (vi nhũ chitosan – neem (CN)). Chế phẩm được thử nghiệm trên 2 đối tượng mọt gạo (Sitophilus oryzae), loại mọt điển hình có phổ phân bố rộng, gây hại ở hầu hết các kho gạo và các loại ngũ cốc khác.

Kết quả, đã xây dựng được quy trình tạo vi nhũ chitosan-neem dạng viên nén và dạng bột, với quy mô 1 kg/mẻ. Sản phẩm CN và CND (chế phẩm kết hợp dịch vi nhũ tương chitosan – neem và dầu vỏ hạt điều) đều thể hiện hoạt tính xua đuổi, gây ngán ăn và có hiệu lực diệt mọt gạo cao. Đồng thời, chế phẩm dạng lỏng CN được kiểm tra độc tính cấp, cho thấy chưa tìm được liều gây độc 50% cho chuột thí nghiệm và xếp loại nhóm ít độc.

Trên đây là nội dung của đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu tạo vi nhũ tương (Chitosan – dầu neem – dầu vỏ hạt điều) sử dụng phòng chống mọt gạo (Sitophilus oryzae)”, vừa được cập nhật vào  Hệ thống Liên kết nguồn lực thông tin KH&CN Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, trên Hệ thống cũng có nhiều đề tài nghiên cứu vừa được cập nhật, liên quan đến nhiều lĩnh vực như y học, xã hội học, công nghệ môi trường, ví dụ như:

  1. Xây dựng mô hình tiên tượng tử vong ở bệnh nhân chấn thương vào khoa Cấp cứu, bệnh viện Chợ Rẫy.
  2. Nghiên cứu chế tạo bộ kit đánh dấu tế bào sử dụng chấm lượng tử CdSe/ZnS.
  3. Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và triển khai lắp đặt thiết bị quan trắc ngập tại các điểm thường xuyên ngập nặng thuộc đô thị sáng tạo kết nối công nghệ đô thị thông minh thành phố Hồ Chí Minh
  4. Phát triển không gian ngầm tại Thành phố Hồ Chí Minh: Trường hợp khu trung tâm hiện hữu (930 ha)

           ...

Quý bạn đọc có thể bấm vào nhan đề để tham khảo nội dung chi tiết; hoặc tra cứu trên Hệ thống để tìm tài liệu theo yêu cầu của riêng mình, tại địa chỉ: http://stinet.gov.vn/

Hệ thống Liên kết nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức thực hiện theo Đề án liên kết nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ do Ủy ban Nhân dân TP.HCM phê duyệt.

Được triển khai từ tháng 5 năm 2018, đến nay, Hệ thống đã liên kết dữ liệu của 30 tổ chức KH&CN thành viên (các cơ quan nghiên cứu, trường đại học và thư viện) tại TP.HCM, với hơn 311 ngàn tài liệu, gồm thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN, sách, giáo trình nội bộ, luận văn, luận án, tạp chí chuyên ngành KH&CN, tài liệu hội thảo,...

Hệ thống cho phép người dùng tra cứu, khai thác trực tuyến đến các tài liệu thư mục và toàn văn theo cơ chế mở.

Kim Oanh (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả