SpStinet - vwpChiTiet

 

Sử dụng phế phụ phẩm cùi bắp và vỏ trấu trồng nấm Vân chi đỏ (Pycnoporus sanguineus)

Tác giả Trần Đức Tường (Trường Đại học Đồng Tháp) đã tiến hành nghiên cứu đánh giá tiềm năng sử dụng cùi bắp và vỏ trấu để trồng nấm Vân chi đỏ nhằm tạo ra nguồn dược liệu quý với giá thành hợp lý, tạo việc làm, giúp tăng thu nhập cho người lao động, góp phần vào phát triển kinh tế ở địa phương.

Nấm Vân chi đỏ (Pycnoporus sanguineus (L.:Fr.) Murrill) thuộc một trong 25 loại nấm có giá trị dược tính rất cao, được dùng làm dược liệu chính và tiêu thụ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó việc tìm ra phương pháp cũng như môi trường nuôi trồng thích hợp đối với loại nấm này để đạt được hoạt tính nhiều nhất là điều cần thiết. Tuy nhiên, ở Việt Nam các nghiên cứu về nấm Vân chi và nghề trồng nấm Vân chi đỏ lại chưa phát triển.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ngoài mùn cưa cao su loại phế phụ phẩm quen thuộc phổ biến được sử dụng để trồng Vân chi đỏ thì các phế phụ phẩm nông nghiệp trữ lượng lớn, có sẵn ở tỉnh Đồng Tháp như cùi bắp, vỏ trấu…chứa hàm lượng cellulose, hemicellulose, lignin khá cao cũng có thể được tận dụng để thay thế mùn cưa cao su trong việc trồng nấm Vân chi đỏ, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa giảm thiểu được ô nhiễm môi trường. Do đó, mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá được tiềm năng sử dụng cùi bắp và vỏ trấu để trồng nấm Vân chi đỏ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, theo công thức phối trộn phù hợp với tỉ lệ cùi bắp (60%) và vỏ trấu (40%) được chọn để xây dựng quy trình sản xuất bịch phôi giống và quy trình trồng nấm Vân chi đỏ trên hai loại phế phụ phẩm thí nghiệm này là thành phần cơ chất tối ưu cho hệ sợi nấm phát triển nhanh nhất (trung bình 17,29 ngày sau khi cấy giống nấm cấp 3) và thu hoạch quả thể sớm nhất (trung bình 46,32 ngày sau khi cấy giống nấm cấp 3) với năng suất cao nhất (79,00g nấm tươi/ bịch phôi). Như vậy, việc nghiên cứu cơ chất phối trộn (cùi bắp và vỏ trấu) để trồng nấm Vân chi đỏ đã cho thấy hai phế phụ phẩm này rất cần thiết trong việc thay thế hoàn toàn mùn cưa cao su, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất dồi dào tại địa phương.

Nội dung nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, số 19, năm 2019, hiện đang lưu giữ tại kho tư liệu của Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI).

Trong tạp chí này còn nhiều nghiên cứu đáng chú ý khác, như:

  1. Lai tạo và khảo nghiệm giống ngô lai đơn QT35 tại các tỉnh Bắc Trung Bộ
  2. Nghiên cứu ảnh hưởng của một số nhân tố đến khả năng mọc mầm của hạt giống sinh trưởng và phát triển của cây giống sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv)
  3. Thành phần luân trùng trong các ao nuôi thủy sản dọc theo tuyến sông Hậu
  4. Một số đặc điểm sinh học và thử nghiệm phòng trừ loài sâu róm xám (Gastropacha sp.) ăn lá keo tai tượng tại huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái
  5. Ảnh hưởng của chất kích thích sinh trưởng đến khả năng nhân giống in vitro cây Thông đất (Huperzia squarrosa (G.Forst.) Trev.)

Quý bạn đọc có thể bấm vào tên bài để tham khảo nội dung chi tiết; hoặc tra cứu các cơ sở dữ liệu của CESTI để tìm tài liệu theo yêu cầu của riêng mình, tại địa chỉ: http://cesti.gov.vn/thu-vien/1/tra-cuu-chung.

Diễm Hương (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả