SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu thành phần loài và đặc điểm phân bố cá ở hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ

Đề tài do TS. Tống Xuân Tám (Đại học Sư phạm TP.HCM) và cộng sự thực hiện nghiên cứu về đa dạng thành phần loài, môi trường sống, sự phân bố cá ở hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, TP.HCM, qua đó góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu cá cho Nam Bộ, làm cơ sở khoa học để bảo tồn, phát triển bền vững nguồn lợi cá nơi đây.

Theo đó, hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ có 282 loài, thuộc 180 giống, 83 họ và 24 bộ. Trong đó có 32 loài cá kinh tế, 18 loài cá nuôi làm cảnh, 9 loài trong Sách Đỏ Việt Nam (2007). Nghiên cứu này bổ sung cho các công trình nghiên cứu trước đây về 67 loài, 44 giống, 21 họ và 4 bộ. Có 62,57% tổng số loài cá ở Cần Giờ có độ thường gặp ít, rất ít và không gặp; chỉ có trên 37,42% số loài có độ thường gặp rất nhiều và nhiều; 3 loài (1,06%) đang bị giảm sút mạnh, cần được bảo vệ. Số loài thu được vào mùa mưa chiếm 92,7%, mùa khô là 93,29% cho thấy đa số các loài cá ở hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ đều phân bố quanh năm ở cả hai mùa.

Khu vực nghiên cứu có 2,44% tổng số loài sống ở môi trường nước ngọt, 5,49% nước ngọt lợ, 1,22% nước lợ, 21,95% nước lợ mặn, 24,39% nước mặn và 44,51% nước ngọt lợ mặn. Ngoài ra, khu vực này còn có 43 loài cá di cư, chiếm 15,25% tổng số loài cá mà sự thay đổi về yếu tố thủy triều thường xuyên đã tác động đến sự di cư của các loài cá.

Tác giả kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu các loài cá ở hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, đồng thời tăng cường nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái, quy trình nhân nuôi của những loài cá có giá trị cao nhằm sử dụng hợp lý, bảo tồn, phát triển bền vững và giảm áp lực khai thác cá tự nhiên ở khu vực này. Cần cấm đánh bắt tuyệt đối 9 loài cá có trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) để tránh những loài này bị tuyệt chủng trong tự nhiên của khu vực này.

LV (nguồn: TC Khoa học ĐHSP TP.HCM, số 2-2015)
 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả