SpStinet - vwpChiTiet

 

Nuôi bò sữa hiệu quả và thân thiện với môi trường

Tăng 15,86% sản lượng sữa, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng thu nhập và giảm thiểu ô nhiễm môi trường là kết quả đạt được sau khi áp dụng mô hình chăn nuôi tiên tiến của các hộ chăn nuôi bò sữa thuộc Hợp tác xã Thương mai - Dịch vụ - Sản xuất Chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội, huyện Củ Chi.

Áp dụng kỹ thuật tiên tiến cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ

Bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tính khẩu phần ăn cho bò sữa, sử dụng hệ thống giảm stress nhiệt và xử lý chất thải chăn nuôi, các hộ chăn nuôi bò sữa thuộc Hợp tác xã Thương mai - Dịch vụ - Sản xuất Chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) đã tăng được sản lượng sữa (15,86%), tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng thu nhập và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đây là kết quả của dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm ảnh hưởng đến môi trường trong chăn nuôi bò sữa tại TP.HCM” được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM hỗ trợ kinh phí thực hiện.

Dự án nêu trên do Phân viện Chăn nuôi Nam bộ thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN về nông nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 – 2025” của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.

Theo ông Lê Bá Chung (chủ nhiệm dự án), với số lượng hộ chăn nuôi bò sữa gia tăng trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, đòi hỏi ngành chăn nuôi bò sữa tại huyện Củ Chi cần phải đổi mới sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sữa. tăng hiệu quả kinh tế của hộ gia đình. Thực tế các hộ chăn nuôi bò sữa ở Củ Chi có quy mô nhỏ lẻ, chưa được tiếp cận với kỹ thuật tiên tiến cũng như chưa có liên kết các khâu trong chăn nuôi với nhau để tạo thành một chuỗi giá trị bền vững.

Trong chăn nuôi bò sữa, việc xây dựng và tính toán khẩu phần ăn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu về chất dinh dưỡng và năng lượng cần thiết cho bò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng sữa cũng như hiệu quả kinh tế...Trong khi đó, các chương trình, phần mềm để tính khẩu phần ăn cho bò sữa hiện nay thường sử dụng trong các trang trại chăn nuôi lớn, chưa áp dụng cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bởi chi phí khá cao, khả năng tiếp cận với khoa học kỹ thuật của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn hạn chế.

Trước thực tế này, dự án thực hiện xây dựng mô hình chăn nuôi tiên tiến áp dụng cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, giúp người chăn nuôi bò sữa dễ dàng tiếp cận được kỹ thuật chăn nuôi hiện đại. Nhóm thực hiện dự án đã tiến hành đánh giá hiện trạng chăn nuôi bò sữa ở các nông hộ; xây dựng công thức tính lượng thức ăn, hiệu quả kinh tế bằng phần mềm Excel, khẩu phần ăn của bò sữa trong các nông hộ được tính toán trên cơ sở năng suất sữa và hiện trạng của bò cái, thức ăn sử dụng là nguồn sẵn có tại địa phương; xây dựng mô hình chăn nuôi áp dụng công nghệ thông tin vào tính khẩu phần ăn và xử lý chất thải chăn nuôi bò sữa.

 

Tăng hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường

Nhóm dự án đã xây dựng thành công 3 mô hình chăn nuôi tiên tiến (quy mô 6-10 con bò sữa/hộ) tại 3 hộ chăn nuôi thuộc Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất Chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội. Các hộ chăn nuôi được hướng dẫn sử dụng phần mềm tính khẩu phần ăn cho bò sữa; áp dụng hệ thống giảm stress nhiệt); xây dựng hệ thống hầm biogas và quy trình ủ phân để tận dụng nguồn chất thải làm phân bón, thu hồi khí đốt nhằm giảm chi phí sản xuất  và ô nhiễm môi trường.

Sử dụng phần mềm vào tính khẩu phần ăn và hệ thống giảm stress nhiệt giúp tăng sản lượng sữa 15,86% (từ bình quân khoảng 14 kg sữa/con/ngày tăng lên hơn 16 kg sữa/con/ngày); rút ngắn khoảng cách giữa hai lứa đẻ 46,67 ngày (tiết kiệm tiền thức ăn 27.183 đồng/hộ gia đình/ngày). Sử dụng hầm biogas cung cấp khí đốt (tiết kiệm 200.000 đồng/hộ dân/tháng), hố ủ phân tạo ra nguồn phân bón cho cây (ước tính tiết kiệm được 150.000 đồng/hộ dân/tháng). Tính chung, hiệu quả thu được từ mô hình chăn nuôi này cao hơn mô hình truyền thống 129.422 đồng/ngày. Bên cạnh đó, mô hình còn góp phần giảm chất thải, giảm mùi hôi, giảm ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, dự án cũng tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho 40 hộ dân trong khu vực. Các nội dung tập huấn gồm: quản lý chăn nuôi và quản lý sinh sản trong chăn nuôi bò sữa; dinh dưỡng và phương pháp xây dựng khẩu phần ăn cho bò sữa theo từng giai đoạn tuổi và năng suất sữa; hướng dẫn sử dụng cách tính khẩu phần thức ăn, lợi nhuận bằng phần mềm. Ông Lê Bá Chung cho biết, mô hình đã được chuyển giao cho Hợp tác xã Thương mai - Dịch vụ - Sản xuất Chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội để tiếp tục nhân rộng. Thành công của dự án không chỉ là đạt hiệu quả kinh tế, vệ sinh môi trường chăn nuôi vượt trội so với chăn nuôi truyền thống, mà còn lan tỏa nhận thức của người chăn nuôi bò sữa gắn với bảo vệ môi trường, trình độ hiểu biết của người dân về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, kỹ thuật sử dụng phế phụ phẩm trong chăn nuôi bò sữa được cải thiện đáng kể. Dự án cũng thúc đẩy mối liên kết chặt chẽ giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ kỹ thuật của địa phương và người chăn nuôi, đây là cơ hội để chuyển giao kỹ thuật, góp phần phát triển chăn nuôi bò sữa theo hướng bền vững ở huyện Củ Chi.

Tuy nhiên, theo ông Chung, để triển khai thành công mô hình, cần phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người chăn nuôi; nội dung và kỹ thuật ứng dụng phải đơn giản, dễ sử dụng; có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, đơn vị thực hiện dự án và người thụ hưởng; hướng dẫn kỹ thuật cho người dân phải thật rõ ràng, chi tiết theo hướng “cầm tay chỉ việc”.

Theo ông Ngô Phúc Nhận (Trưởng ban kiểm soát, HTX Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất Chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội), kết quả của mô hình này khá tốt, nhưng để triển khai rộng rãi thì cần hỗ trợ một phần kinh phí cho người dân. Một mô hình chăn nuôi áp dụng kỹ thuật tiên tiến ước tính chi phí khoảng 20 triệu đồng/hộ dân. HTX đang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông để thực hiện chương trình hỗ trợ nhân rộng mô hình ra toàn HTX với khoảng 300 xã viên. Dự kiến mỗi hộ dân tham gia phải đảm bảo 50% kinh phí đối ứng, còn lại 50% sẽ được hỗ trợ.

Hướng đến chăn nuôi hiện đại và thân thiện với môi trường, giảm tác động đến biến đổi khí hậu là mục tiêu của ngành chăn nuôi TP.HCM và cũng là xu hướng chung trên cả nước: năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 2139/QĐ-TTg về chăn nuôi thân thiện với môi trường, giảm ảnh hưởng của chăn nuôi đến biến đổi khí hậu. Trong năm này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phê duyệt đề án “Giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020” tại quyết định số 3119/QĐ-BNN-KHCN.

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả