SpStinet - vwpChiTiet

 

Hợp tác nghiên cứu các giải pháp thân thiện với môi trường để kiểm soát một số côn trùng gây hại (mối, kiến, gián) ở đô thị

Đô thị ở Việt Nam với mật độ xây dựng cao, các công trình hầu hết liền kề nhau và khả năng kinh phí hạn hẹp, nên việc quản lý côn trùng gây hại từ trước tới nay chủ yếu được thực hiện theo hình thức xử lý cục bộ, trực tiếp cho từng công trình cụ thể. Vì vậy, hiệu quả xử lý không cao, chỉ sau một thời gian ngắn côn trùng lại xuất hiện trở lại. Từ trước đến nay, việc phân tích, định loại mối, kiến, gián gây hại đô thị ở nước ta phần lớn vẫn dựa vào phương pháp định loại hình thái dẫn đến những kết quả không thống nhất và thiếu chính xác. Từ đó việc tiếp cận và áp dụng những quy trình công nghệ kiểm soát tiên tiến cho các loài mối, kiến, gián gây hại đô thị còn nhiều hạn chế.

Việc học hỏi và hợp tác nghiên cứu với các chuyên gia từ nước ngoài trong việc xác định chính xác thành phần loài bằng công nghệ ADN, sử dụng các phương pháp nghiên cứu tiên tiến để nắm bắt các đặc điểm sinh học và tập tính của mỗi loài, làm cơ sở khoa học cho nghiên cứu công nghệ kiểm soát côn trùng gây hại thân thiện với môi trường là một lựa chọn hợp lý, rút ngắn thời gian đối với mục tiêu đưa lĩnh vực khoa học & công nghệ này tiếp cận và hội nhập quốc tế.

Vì những lý do trên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình thực hiện nhiệm vụ trong khuôn khổ hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ theo Nghị định thư với Hoa kỳ là “Hợp tác nghiên cứu các giải pháp thân thiện với môi trường để kiểm soát một số côn trùng gây hại (mối, kiến, gián) ở đô thị” do PGS.TS Trịnh Văn Hạnh, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam làm chủ nhiệm, đối tác Hoa Kỳ là trường Đại học Georgia và Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo Fort Lauderdale thuộc trường Đại học Florida. Thời gian thực hiện đề tài từ tháng 4/2013 đến tháng 3/2016 nhằm mục tiêu “Xây dựng được các quy trình công nghệ thân thiện với môi trường để kiểm soát mối, kiến, gián gây hại trong các đô thị ở Việt Nam” với những nội dung chính như sau:

- Xác định được thành phần loài và đánh giá mức độ gây hại của mối, kiến, gián đối với các khu đô thị ở Hà Nội.

- Lựa chọn giải pháp và xây dựng mô hình công nghệ thân thiện với môi trường để kiểm soát mối, kiến, gián gây hại trong các đô thị ở Việt Nam.

Một số kết quả của đề tài:

- Làm chủ kỹ thuật DNA trong định loại mối, kiến, gián và đã ứng dụng hiệu chỉnh lại loài mối C.gestroi thay vì loài C.formosanus.

- Chế tạo thành công 5 loại bả: (i) Bả phòng trừ giống mối Coptotermes là: Bột α-cellulose + Chlofluazuron + Disocel + Aerosil + Natri benzoate + chất hòa tan Isopropanol; (ii) Bả phòng trừ kiến dạng bột là: Tinh bột + Protein động vật + Dầu thực vật + Sulfluramid + các phụ gia khác; (iii) Bả phòng trừ kiến dạng gel là: Đường + Tinh bột + Xanthagum + Sulfluramid + các phụ gia khác; (iv) Bả phòng trừ gián dạng bột là: Tinh bột + Protein + Dầu ăn + Mật ong + Sulfluramid + các phụ gia khác; (v) Bả phòng trừ gián dạng gel là: Bột mỳ + Tinh bột biến tính + Mật ong + Dầu dừa +  Sulfluramid + các phụ gia khác.

- Chế tạo 3 loại trạm bả thích hợp và tiện ích cho các loài mối, kiến, gián gây hại.

- Chế tạo được bẫy đèn thu bắt mối cánh Coptotermes hiệu quả với loại đèn LED - 460nm tiết kiệm năng lượng, tiện ích và thu hút hầu hết mối cánh khi bay phân đàn.

- Thiết lập được 10 bộ bản thiết kế mô hình phòng trừ cho các loài gây hại để triển khai thử nghiệm tại 4 khu đô thị điển hình ở Hà Nội.

- Xây dựng 3 bộ tiêu chí để đánh giá hiệu quả của 3 mô hình thử nghiệm phòng trừ các loài gây hại.

- Xây dựng được 3 quy trình công nghệ kiểm soát các đối tượng thuộc 3 nhóm côn trùng mối, kiến và gián: (i) Quy trình công nghệ kiểm soát giống mối Coptotermes gây hại trong khu đô thị; (ii) Quy trình công nghệ kiểm soát kiến gây hại trong khu đô thị; (iii) Quy trình công nghệ kiểm soát gián gây hại trong khu đô thị.

Nguồn: most.gov.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả