SpStinet - vwpChiTiet

 

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo quản lý sân bay Long Thành

Hãy tưởng tượng bạn đến sân bay bằng xe ô tô mình tự lái, robot sẽ lấy hành lý cho bạn, bạn đưa thông số sinh trắc học của mình (có thể là khuôn mặt của bạn) ra trước camera để qua điểm kiểm tra an ninh và lên tàu bay.


“Trí tuệ nhân tạo” (Artificial Intelligence) sẽ được áp dụng
tại Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Ảnh: ADCC.

Đây chính là hình dung trong tương lai khi trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) được áp dụng toàn bộ tại Cảng hàng không (CHK) Quốc tế Long Thành và, robot Airstar tại sân bay Incheon, robot Haneda của Robotics Lab, robot Rada ở sân bay Ấn Độ, robot Josie Pepper ở sân bay Munich... chính là cơ sở để chúng ta nghĩ về robot xách hành lý tại các sân bay của Việt Nam.

Dẫn báo cáo nghiên cứu khả thi dự án CHK Quốc tế Long Thành do liên danh Pháp - Nhật - Việt Nam (liên danh JFV) nghiên cứu, giai đoạn 1, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Lại Xuân Thanh cho biết, liên danh tư vấn đã đề xuất áp dụng hàng loạt công nghệ 4.0 vào công tác quản lý khai thác CHK quốc tế Long Thành.

Tự động nhận diện hành khách

Cụ thể, tư vấn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực kỹ thuật số bao gồm các yếu tố Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data); lĩnh vực vật lý bao gồm việc ứng dụng công nghệ robot, giải pháp tự động hóa các trang thiết bị kỹ thuật.

Trí tuệ nhân tạo được áp dụng vào hệ thống làm thủ tục hành khách, hệ thống làm thủ tục xuất nhập cảnh sẽ hỗ trợ việc nhận dạng và xác định danh tính của hành khách thông qua dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt, dấu vân tay…) được nhanh chóng, chính xác, rút ngắn được thời gian làm thủ tục hàng không.

Bên cạnh đó, thông qua việc phân tích dữ liệu thu nhận từ hệ thống truyền hình mạch kín (CCTV), AI sẽ dự đoán chuyển động của từng hành khách, tính toán đưa ra những thông tin đề xuất nhằm tối ưu hóa luồng hành khách hoặc phân bổ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu hành khách thay đổi. Dựa vào dữ liệu hình ảnh từ hệ thống CCTV kết hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia để nhận diện đối tượng trong danh sách cấm bay, AI sẽ phân tích đối chiếu và đưa ra các cảnh báo kịp thời cho lực lượng an ninh.

Công nghệ “sinh trắc học” cũng được ứng dụng trong việc nhận diện hành khách tại sân bay Long Thành. Đây cũng là công nghệ đã được Giám đốc Chiến lược và Phát triển của sân bay Quốc tế Bangalore (Ấn Độ) nhận định rằng: “Về bản chất, khuôn mặt của bạn sẽ trở thành “tấm thẻ” lên máy bay”.

Ngoài ra AI sẽ giúp đơn vị khai thác phân tích các dữ liệu về chuyến bay, thời tiết, giám sát an ninh... để đơn vị khai thác xây dựng chương trình kiểm soát an ninh an toàn, quản lý rủi ro, dự đoán và lập kế hoạch bay, điều phối và phân chia khai thác...

Internet kết nối vạn vật

Hệ sinh thái thị trường của Internet vạn vật (IoT – Internet of Things) bao gồm: Tất cả các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật nhà ga, kỹ thuật phục vụ bay, các trang thiết bị thuộc cơ quan quản lý nhà nước và của các hãng hàng không hoạt động tại cảng sẽ được kết nối với nhau qua IoT.

Một trong những ứng dụng IoT nổi bật là công nghệ nhận dạng thông tin bằng tần số vô tuyến - RFID (Radio Frequency Identification) - là công nghệ kết nối để tự động xác định và theo dõi bằng các thẻ nhận dạng gắn vào vật thể như hành lý, thiết bị, đối tượng...

Tư vấn đã thiết kế hệ thống xử lý hành lý được kết hợp với công nghệ nhận dạng thông tin hành lý bằng RFID nhằm giúp cho việc phân loại và nhận dạng hành lý gần như tuyệt đối chính xác, đảm bảo an toàn cho kiểm soát thông tin soi chiếu an ninh, soi chiếu hải quan, giảm thiểu thất lạc hành lý. Bên cạnh đó hành khách dễ dàng truy cập, kiểm tra thông tin lộ trình hành lý của mình thông qua ứng dụng trên máy tính cá nhân hoặc điện thoại.

Tư vấn cũng thiết kế công nghệ tự động hóa (hiện được áp dụng cho các nhà ga mới của các CHK lớn trên thế giới như Incheon T2, Changi T4,…) cho các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật tự động như: hệ thống hỗ trợ hành khách tự làm thủ tục hàng không (Self Check-in Kiosk), hệ thống hỗ trợ hành khách tự làm thủ tục ký gửi hành lý (Self Baggage Drop), hệ thống kiểm soát an ninh tại cổng ra vào tự động (Automatic Gate Access Control-AGAC), hệ thống làm thủ tục xuất nhập cảnh tự động (Automated Immigration), hệ thống cửa ra tàu bay tự động (E-gate).

An ninh mạng được ưu tiên hàng đầu

Có thể thấy, song song với việc số hóa đang diễn ra trong ngành vận tải hàng không, số vụ tấn công vào hệ thống mạng của ngành này đang gia tăng đáng kể. Chính vì thế, an ninh mạng được coi là ưu tiên hàng đầu của hệ thống công nghệ tại sân bay Long Thành.

Tư vấn đã thiết kế một hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung đặt tại Trung tâm dữ liệu của CHK Quốc tế Long Thành (Data Center) để lưu trữ thông tin của các hệ thống của toàn bộ sân bay như: hệ thống thiết bị kỹ thuật nhà ga, đài kiểm soát không lưu, thông tin xuất nhập cảnh, hải quan,… kết hợp với hệ thống kết nối thông tin hỗ trợ kết nối giao tiếp vật lý và logic cho các hệ thống thông tin tại sân bay, phân tích và kiểm tra thông tin, đảm bảo thông tin được truy xuất cho các hệ thống riêng lẻ theo đúng định dạng, nhằm cung cấp tất cả dữ liệu liên quan hoạt động phục vụ bay một cách chính xác trong môi trường thời gian thực, giúp đơn vị quản lý vận hành hiệp đồng ra quyết định tại sân bay, phân bổ phối hợp khai thác toàn bộ cơ cở hạ tầng kỹ thuật của cảng hàng không một cách phù hợp, hiệu quả nhất, giúp đơn vị quản lý vận hành có thể giám sát, phát hiện, xử lý các vấn đề an ninh một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Trong lĩnh vực đảm bảo an ninh hàng không, CHK Long Thành sẽ sử dụng thiết bị kiểm thể tự động (Body Scanner) sẽ được trang bị 100% bên trong nhà ga hành khách thay cho việc kiểm tra an ninh bằng dụng cụ cầm tay như trước đây nhằm tăng cường hiệu quả công việc, rút ngắn thời gian ở khâu kiểm tra an ninh và tạo sự thoải mái cho hành khách.

Việc áp dụng quy trình soi chiếu kiểm soát an ninh và hải quan đối với hành lý ký gửi (quốc tế, quốc nội) với 5 mức độ kiểm tra nghiêm ngặt cùng với sự hỗ trợ của các thiết bị soi chiếu hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu (tương đương TSA của Mỹ) sẽ tăng cường mức độ đảm bảo an ninh an toàn hàng không.

Tư vấn cũng thiết kế hàng rào an ninh sử dụng hệ thống cáp quang cảm biến chống xâm nhập kết hợp camera giám sát nhằm phát hiện sớm các vị trí có nguy cơ xâm nhập trái phép, cung cấp và lưu trữ hình ảnh tại khu vực có cảnh báo, phục vụ công tác đảm bảo an ninh hàng không.

Ông Lại Xuân Thanh cũng cho rằng, đây mới chỉ là bức tranh giả định được liên danh tư vấn xây dựng trong Báo cáo khả thi. Dự án còn qua các bước thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công và trước khi đưa vào khai thác sau 6 năm (đến năm 2025), do đó tư vấn cũng thiết kế công nghệ có tính mở để có thể cập nhật thêm công nghệ tiên tiến nhất tại vào thời điểm đầu tư xây dựng và chuẩn bị đưa vào khai thác.

Phan Trang

Nguồn: chinhphu.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả