SpStinet - vwpChiTiet

 

Đánh giá chất lượng và đa dạng di truyền của một số giống lúa địa phương Việt Nam

Nhóm tác giả Lê Thị Thu Trang (Trung tâm Tài nguyên Thực vật), Lã Hoàng Anh (Viện Di truyền Nông nghiệp),… tiến hành đánh giá các chỉ tiêu liên quan đến chất lượng của 300 giống lúa địa phương đang được lưu giữ tại Ngân hàng gien cây trồng quốc gia (Trung tâm Tài nguyên Thực vật), phục vụ công tác bảo tồn và chọn tạo giống lúa có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo đó, có 283 giống lúa (94,33%) thuộc phân loài phụ Japonica và 80,33% là giống lúa tẻ. Hàm lượng amyloza của 300 giống nghiên cứu tập trung ở mức trung bình (57%) và thấp (42,33%), đồng thời kích thước hạt dài chiếm 74% và hình dạng hạt thon chiếm 52,67% rất thuận lợi cho việc chọn tạo giống chất lượng phù hợp với thị hiếu tiêu dùng.

Nghiên cứu đã chọn được 55 mẫu giống có chất lượng với hàm lượng amyloza < 20% và độ thơm ≥ 2 (chiếm 18,33%) trong tổng số 300 mẫu giống đánh giá. Trong đó, đã tìm được 11 giống lúa có các chỉ số đánh giá về hàm lượng amyloza, hình dạng hạt và độ thơm tương đương với các giống chất lượng trên thế giới.

Kết quả phân tích 32 chỉ thị SSR với 55 giống lúa có tiềm năng chất lượng cho thấy sự đa dạng di truyền cao với tổng số alen (các trạng thái của gene) phát hiện tại 32 locut (vị trí của gene trên nhiễm sắc thể) là 188 alen (trung bình đạt 5,88 alen/locut); xuất hiện 23 alen hiếm và 4 alen đặc trưng ở 4 locut. Hệ số đa hình di truyền (PIC) dao động từ 0,28 (RM60) đến 0,85 (RM215) với giá trị trung bình là 0,67. Hệ số tương đồng di truyền giữa các giống dao động trong khoảng từ 0,45-0,94. Ở hệ số tương đồng di truyền 0,50, 55 giống lúa có tiềm năng chất lượng được chia thành 2 nhóm lớn: nhóm 1 gồm 49 giống lúa có hệ số tương đồng di truyền dao động từ 0,52-0,94; nhóm 2 gồm 6 giống tương đồng di truyền nằm trong khoảng 0,57-0,61.
LV (nguồn: TC Nông nghiệp và PTNT, tháng 1/2015) 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả