SpStinet - vwpChiTiet

 

Khảo cổ học đô thị với di sản kiến trúc thời Pháp thuộc

Theo báo cáo nghiên cứu của tác giả Hà Thị Sương (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM), khảo cổ học đô thị (Urban Archaeology) là một bộ phận của khảo cổ học chuyên nghiên cứu về di tích, di vật của các thị xã, thành phố và các khu vực tập trung sản xuất nơi có sự cư trú lâu dài của con người.

Khảo cổ học đô thị là một lĩnh vực có đối tượng nghiên cứu đặc biệt chưa từng thấy trong các lĩnh vực khác của khảo cổ học. Sự đặc biệt của ngành này là ở điểm các thành phố với lịch sử hình thành xây dựng lâu dài, sau một thời gian có thể bị chôn lấp hoặc phá vỡ, rồi lại tái sử dụng, và xây dựng lại đã tạo ra số lượng lớn các hiện vật và lớp địa tầng cực kỳ phức tạp.

Trải qua hơn 300 năm tồn tại và phát triển, Sài Gòn – TP.HCM đã để lại nhiều di sản kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc thời Đông Dương thuộc Pháp. Theo số liệu thống kê sơ bộ, hiện nay, TP.HCM còn khoảng trên 60 công trình kiến trúc tiêu biểu được xây dựng dưới thời Pháp thuộc bao gồm nhiều hạng mục như nhà thờ, dinh thự, chợ, bưu điện, bệnh viện, trường học, công ty, rạp hát, câu lạc bộ, nhà băng… Trong đó, có những công trình rất nổi tiếng như: Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát lớn Thành phố, Bưu điện Thành phố, Chợ Bến Thành, Bến Nhà Rồng, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Quán, Nhà thờ Tân Định - An Hoà, Kho bạc Đông Dương, Viện Pasteur, Trường PTTH Trưng Vương…

Những kiến trúc này là nơi ghi dấu sự giao lưu văn hoá Đông – Tây về quy hoạch, về kết cấu kiến trúc, đặc trưng phong cách, vật liệu kiến trúc và đặc biệt là kỹ thuật xây dựng. Đây là những di sản, công trình nghệ thuật; đồng thời là những minh chứng cho diện mạo đô thị Sài Gòn trong một giai đoạn lịch sử quan trọng.

Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng của thời gian, khí hậu, sự tàn phá vô thức và hữu thức của con người trong quá trình đô thị hoá… nên đa phần các công trình kiến trúc thời kỳ này đã và đang trong tình trạng bị hư hại nghiêm trọng. Thực trạng đó, đòi hỏi các ngành khoa học và các nhà quản lý phải làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc thời kỳ này.

Để bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc thời Pháp thuộc ở TP.HCM, yêu cầu khảo cổ học đô thị phải kết hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu hệ thống kết cấu quy hoạch, vật liệu kiến trúc, đặc biệt là kỹ thuật xử lý móng nền, sức bền vật liệu và không gian cảnh quan có tính phù hợp với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên - khí hậu và môi trường sinh thái, nhân văn mà người Pháp đã nghiên cứu để xây dựng các công trình kiến trúc có tính quy chuẩn, mang nhiều giá trị. Ngoài ra, khảo cổ học đô thị còn phải nghiên cứu những yếu tố phong cách nghệ thuật, hình tượng và đặc điểm các đề tài trang trí trên các công trình kiến trúc… nhằm làm rõ diễn biến về nghệ thuật trang trí kiến trúc thời kỳ này.
LV (nguồn: Hội nghị Khoa học trẻ ĐHQG-HCM lần 1)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả