SpStinet - vwpChiTiet

 

Nữ tiến sĩ tạo giống lúa chịu mặn

Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà (37 tuổi) phát triển thành công giống lúa chịu mặn bằng chọn lọc marker phân tử giúp rút ngắn thời gian lai tạo.

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, TS. Phạm Thị Thu Hà sớm tiếp xúc với ruộng đồng và cây lúa miền Tây - nơi tình trạng nhiễm mặn diễn ra trên diện rộng. Năm 2018, sau quá trình học chuyên sâu ở Đại học Hiroshima (Nhật Bản), chị quyết định trở về quê hương với mong muốn tìm ra giống lúa mới có khả năng chống chịu mặn tốt trong bối cảnh Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng nặng bởi biến đổi khí hậu.

"Hiện nay Đồng bằng sông Cửu Long có đến 8/13 tỉnh đất đã bị nhiễm mặn, vì vậy rất cần có một công trình nghiên cứu để chọn giống lúa thích nghi với môi trường mặn", TS. Thu Hà nói.

Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà nhận giải thưởng L’Oreal - UNESCO với công trình nghiên cứu và phát triển giống lúa chống chịu mặn thông qua chọn lọc bằng dấu chuẩn phân tử. Ảnh: NVCC
TS. Phạm Thị Thu Hà tại vườn thực nghiệm. Ảnh: NVCC

Để lai tạo một giống lúa bằng kỹ thuật truyền thống các nhà khoa học thường lai ghép rồi chọn theo thế hệ kiểu hình, cách này mất 5 đến 10 năm để tạo ra một giống lúa mới. Phương pháp marker phân tử TS. Hà áp dụng có thể xác định được kiểu gene nên thời gian lai tạo giảm xuống chỉ còn 3 - 4 năm. Chị đã lựa chọn giống lúa mẹ ở địa phương, giống lúa bố chứa nguồn gene có khả năng chống chịu mặn, sau đó cho lai hai giống với nhau. Hiện một số dòng kháng mặn đã được trồng khảo nghiệm cho năng suất cao ở Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau.

TS. Hà cho biết, "bước đầu cho kết quả khả quan nhưng vẫn đang trong quá trình nghiên cứu cải thiện. Cần phải có thời gian mới có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất phân phối giống đại trà".

Công trình nghiên cứu này được hội đồng chuyên môn đánh giá có ý nghĩa, tiềm năng ứng dụng thực tiễn cao và lựa chọn trao giải thưởng L’Oreal - UNESCO dành cho nhà khoa học nữ tiềm năng trong nghiên cứu khoa học.

Tiến sĩ Hà đang hướng dẫn sinh viên trong phòng thí nghiệm trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ảnh: An Phạm
TS. Hà đang hướng dẫn sinh viên trong phòng thí nghiệm
trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ảnh: An Phạm

Ở cương vị Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu di truyền và giống, Đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM, ngoài công việc nghiên cứu, TS. Hà còn giảng dạy, hướng dẫn các thế hệ sinh viên. "Tôi kèm cặp sinh viên từng việc nhỏ nhất, thậm chí là cầm tay chỉ việc để các em thực hiện nghiên cứu chính xác với mong muốn truyền cảm hứng và đam mê khoa học cho các em", chị kể. Mới đây nhóm 3 sinh viên do chị hướng dẫn đã đạt giải nhất toàn trường về nghiên cứu khoa học ứng dụng đột biến trong chọn giống chịu mặn.

Hiện chị tiếp tục theo đuổi các công trình nghiên cứu lai tạo giống cây trồng đặc tính kháng mặn để phổ biến cho nông dân Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có cây cải mù tạt và kháng nấm đạo ôn trên cây lúa. 

TS. Phạm Thị Thu Hà tốt nghiệp Tiến sĩ Ngành di truyền và chọn giống, Đại học Hiroshima, Nhật Bản năm 2018; là tác giả và đồng tác giả hơn 60 bài báo khoa học, trong đó có hàng chục bài báo thuộc danh mục ISI, hơn 20 báo cáo khoa học tại các hội nghị trong nước, quốc tế.

Chị là tác giả một số giống được phát triển thích nghi tốt với các môi trường sinh thái khác nhau như: OM6600, OM11267 (MNR1), OM11271 (MNR5) OM7398, OM10041, OM7345, OM10252, OM10375 và OM8927.

An Phạm

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả