SpStinet - vwpChiTiet

 

Cư dân và không gian trong tiến trình đô thị hóa ở TP.HCM

Nghiên cứu do PGS.TS Trần Hữu Quang và các cộng sự tại Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM tiến hành trong bối cảnh quá trình đô thị hóa ở TP.HCM đang diễn ra hết sức sôi động.


TP.HCM đang trở thành một siêu đô thị "tự phát". (Ảnh: Internet)

Mục tiêu của nghiên cứu là nắm bắt thực trạng cuộc sống của người dân trong không gian đô thị (KGĐT) cũng như cảm nhận của họ về cuộc sống đô thị tại TP.HCM hiện nay. Nghiên cứu mong muốn trả lời được 3 câu hỏi:
  1. Cư dân đô thị TP.HCM hiện nay là ai?
  2. Họ sống thế nào trong KGĐT, sử dụng KGĐT như thế nào?
  3. Họ cảm nhận và đánh giá ra sao về KGĐT và đời sống đô thị?
Dựa trên thực tế đã khảo sát và phân tích, nhóm tác giả nêu ra một số nhận định:

TP.HCM đang tự phát thành "siêu đô thị"

TP.HCM tuy kiểm soát được tốc độ gia tăng tự nhiên (do sinh đẻ) nhưng không kiểm soát được tốc độ gia tăng cơ học (do di dân). Thành phố đang có xu hướng tự phát thành một siêu đô thị (đô thị có dân số hơn 10 triệu) với nhiều nhân tố vượt ngoài tầm kiểm soát của chính quyền đô thị.

Quá trình dịch chuyển dân cư ra vùng ven sẽ còn tiếp diễn nhiều năm nữa. 

Có hai xu hướng chính đang hình thành rõ nét: những khu cư dân ổ chuột mới ở vùng ven sau khi bị giải tỏa trong nội thành; và những khu dân cư cao cấp mang tính chất ốc đảo ngay trong lòng Thành phố.

Nan giải nhà ở

Nhu cầu nhà ở sẽ tiếp tục là vấn đề nan giải nhiều năm nữa, nhất là với tầng lớp làm công ăn lương có mức thu nhập từ trung bình trở xuống, bao lâu nhà nước chưa thiết lập những chính sách và định chế tài chính mới về nhà ở.

Dù vẫn còn tâm lý ngán ngại tiềm tàng đối với loại hình "chung cư" nhưng người dân sẽ buộc phải chọn lựa giải pháp này ngày càng nhiều hơn.

Giao thông: xe máy vẫn chiếm ưu thế

Tình trạng đi lại bằng xe máy cá nhân sẽ còn kéo dài. Sự phát triển của các phương tiện giao thông công cộng khó khăn không chỉ bởi điều kiện vật chất, kinh tế mà còn do tâm lý ngại sự thay đổi của người dân.

Chất lượng sống giảm

Tiện nghi vật chất có thể tốt hơn nhưng chất lượng sống chưa chắc đã cải thiện. Cơ sở hạ tầng đô thị hiện đã quá tải và không thể giải quyết một sớm một chiều. Kẹt xe, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn... có nguy cơ ngày càng trầm trọng; ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, thời gian lẫn tài chính của người dân.

Khoảng một nửa cư dân TP.HCM hiện nay chưa hài lòng với KGĐT, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng. Điều này có thể gây bất ổn tâm lý, mất lòng tin vào chính quyền đô thị nếu các lĩnh vực dịch vụ công cộng không sớm được cải thiện.

Nghiên cứu được tiến hành trên 1.000 hộ và 1000 người trong vòng 2 năm.
 
TN (nguồn: Viện NCPT TP.HCM - 5 năm những công trình nghiên cứu KH, 2008-2013)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả