SpStinet - vwpChiTiet

 

Chính sách và giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành da giày tại TP.HCM

Đề tài do tác giả Trương Quang Dũng và cộng sự (Trường Đại học Công nghệ TP.HCM) thực hiện nhằm làm rõ hiện trạng công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành da giày trên địa bàn TP.HCM để xác định được những dòng nguyên vật liệu, dịch vụ cụ thể nào mà TP.HCM hiện đang có ưu thế hoặc sẽ có ưu thế; phân tích hiện trạng về cơ chế chính sách đối với phát triển ngành da giày và CNHT ngành da giày; đề xuất các giải pháp phát triển CNHT ngành da giày của TP.HCM, đáp ứng xu hướng phát triển và toàn cầu hóa của thị trường da giày hiện nay.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát thực tế và xử lý số liệu; phân tích thực trạng chuỗi giá trị ngành da giày tại TP.HCM; phân tích các yếu tố lựa chọn nguyên phụ liệu CNHT chủ lực cho ngành da giày mà TP.HCM có ưu thế; thực trạng các sản phẩm hoặc dòng sản phẩm CNHT ngành da giày TP.HCM có ưu thế (đế gót giày các loại, ý tưởng và thiết kế, giả da, da thuộc); phân tích hiện trạng chính sách về CNHT ngành da giày trên địa bàn TP.HCM. Từ đó đề xuất các nhóm giải pháp nhằm phát triển CNHT cho ngành da giày ở TP.HCM như hoàn thiện về cơ chế chính sách CNHT cho ngành da giày, giải pháp về phía Nhà nước, giải pháp đối với từng sản phẩm hoặc dòng sản phẩm CNHT da giày mà Thành phố đã và đang có ưu thế.

Cụ thể, về cơ chế chính sách, thứ nhất là hoàn thiện thể chế về CNHT (khung pháp lý điều tiết hoạt động của các chủ thể tham gia CNHT; thành lập cơ quan đầu mối thống nhất quản lý ở cấp vĩ mô và Hiệp hội doanh nghiệp CNHT để phối hợp, liên kết hoạt động ở cấp vi mô; cơ chế liên kết giữa các doanh nghiệp CNHT trong và ngoài nước, giữa các doanh nghiệp CNHT với doanh nghiệpcông nghiệp). Thứ hai, nhà nước tạo thuận lợi về quỹ đất cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hỗ trợ, được thuê lâu dài và ổn định theo luật định; tạo điều kiện để hình thành các doanh nghiệp chủ chốt ở một số lĩnh vực cơ khí chế tạo, sản xuất linh kiện,... theo hình thức thành lập mới, sau khi đi vào hoạt động có hiệu quả thì sẽ triển khai cổ phần hóa. Thứ ba, điều chỉnh một số chính sách tài chính hiện hành liên quan đến phát triển CNHT, có sự ưu tiên, trọng tâm từng giai đoạn phát triển. Trên cơ sở năm nhóm ngành công nghiệp hạ nguồn, xây dựng cơ chế thí điểm hỗ trợ và chia thành hai giai đoạn: tương lai gần nên áp dụng các ưu đãi hiện hành; tương lai xa hơn, xây dựng lại hệ thống các chính sách ưu đãi chung và ưu đãi riêng về tài chính, chi tiết từng đối tượng, từng ngành hạ nguồn.

Trong nhóm giải pháp về phía nhà nước, các tác giả đề xuất những giải pháp cụ thể về thành lập trung tâm CNHT ngành da giày nhằm hình thành các trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu có quy mô lớn, tạo thành các chợ khổng lồ về buôn bán nguyên phụ liệu da giày, nơi cung cấp tất cả các chủng loại nguyên phụ liệu trong nước và ngoài nước, cung cấp đủ, toàn diện các thông tin về nguyên phụ liệu da giày. Bên cạnh đó cần có giải pháp phát triển nguồn nhân lực CNHT ngành da giày (với hai vấn đề lớn cần quan tâm là đảm bảo yêu cầu cân đối trên các mặt cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ và chất lượng đào tạo); giải pháp về xúc tiến thương mại (đẩy mạnh công tác nghiên cứu, khai thác thị trường, thực hiện các giải pháp bảo vệ thị trường); giải pháp về công nghệ (đảm bảo việc đầu tư nâng cao trình độ công nghệ theo các hướng chuyên môn hóa cao, công nghệ đầu tư mới phải hiện đại, đồng bộ, tiếp cận các công nghệ thế hệ mới nhất,…); giải pháp về thư viện thông tin (xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu về ngành CNHT da giày, gắn kết chặt chẽ với việc phát triển quản trị chuỗi cung ứng).

Ở nhóm giải pháp đối với từng sản phẩm hoặc dòng sản phẩm CNHT da giày, đề tài đề xuất các giải pháp cụ thể cho đế gót giày các loại, ý tưởng và thiết kế, giả da, thuộc da. Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một số kiến nghị cụ thể với nhà nước, các cơ quan của Thành phố, Hiệp hội Da giày Thành phố và các doanh nghiệp CNHT ngành da giày của TP.HCM để có thể thực hiện được các giải pháp đề ra nhằm phát triển các sản phẩm CNHT ngành da giày mà Thành phố đang có ưu thế. Ví dụ kiến nghị Bộ Công thương lập sớm kế hoạch phân chia công việc giữa Bộ và các địa phương theo dự toán của chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025; kiến nghị chính sách thuế cần tạo thuận lợi, đảm bảo sự bình đẳng giữa nhà sản xuất nguyên liệu có vốn đầu tư trong nước và nhà đầu tư FDI, sản xuất cùng loại nguyên liệu,…

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả