SpStinet - vwpChiTiet

 

Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh

Là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Thành phố, do Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM chủ trì thực hiện, GS.TS. Võ Văn Sen làm chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2020.

Nghiên cứu nhằm dựng lại một cách có hệ thống và chân thực quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của vùng đất, con người TP.HCM qua các thời kỳ từ sơ sử đến tiền sử và đến ngày nay (2015); đúc kết các đặc điểm nổi bật của TP.HCM qua các giai đoạn thực hiện các nhiệm vụ lịch sử qua các thời kỳ; sử dụng phương pháp tiếp cận hiện đại, tư liệu phong phú, phản ánh kết quả và thành tựu mới nhất của khoa học lịch sử Việt Nam, trình bày theo lối thông sử với văn phong chính luận kết hợp với đặc tả lịch sử, phân tích và lý giải, có phụ lục minh hoạ, tổ chức bố cục thành bộ sách in ấn đẹp, tiện dụng.

Theo đó, các sản phẩm KH&CN chính của đề tài gồm: bộ Thông sử lịch sử TP.HCM (6 tập lịch sử và 6 tập phụ lục); sản phẩm nghiên cứu công bố (21 bài báo, sách xuất bản); sản phẩm đào tạo sau đại học (14 đề tài thạc sĩ, tiến sĩ).

Cụ thể, bộ Thông sử 6 tập lịch sử TP.HCM gồm 28 chương với 2.840 trang A4. Theo phân kỳ lịch sử, các tập có bố cục nội dung sát thực với thực tế của Thành phố qua các giai đoạn phát triển. Mỗi tập có phần mở đầu, các chương lịch sử, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo.

Tập 1 (305 trang), "Vùng đất TP.HCM trước thế kỷ XVII", viết về lịch sử TP.HCM trước thế kỷ XVII, thời gian lịch sử khá dài được phân bố thành 4 chương. Tập 2 (518 trang), "Sài Gòn-Gia Định từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX", viết về hơn hai thế kỷ tạo dựng vùng đất Sài Gòn từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX, gồm 5 chương. Tập 3 (493 trang), "Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định 1859 – 1945", viết về gần 1 thế kỷ đặc thù của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định thời cận đại, gồm 4 chương. Tập 4 (566 trang), "Sài Gòn – Gia Định 1945 – 1975", viết về Sài Gòn-Gia Định trong 30 năm đặc biệt (1945-1975), gồm 5 chương. Tập 5 (480 trang), "Thành phố Hồ Chí Minh 1975 – 2015", viết về TP.HCM 40 năm sau giải phóng, gồm 5 chương. Tập 6 (478 trang), "Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh (giản lược)", viết giản lược quá trình lịch sử hình thành phát triển của thành phố hàng ngàn năm, chủ yếu là hơn 300 năm từ thế kỷ XVII, gồm 5 chương.

Về ý nghĩa khoa học, đề tài giải quyết nhiều nội dung khoa học quan trọng, nhiều vấn đề được đặt ra và đã được làm sáng tỏ thêm, trong đó có 7 vấn đề khoa học chính yếu đã được phân tích lý giải cặn kẽ trong các tập, các chương:

+ Một là, những khám phá khảo cổ học đã cho thấy sự xuất hiện con người ở khu vực TP.HCM ngày nay từ thời Đồ đồng – Đồ sắt; đến thời kỳ văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam đã hiện diện những lớp cư dân cổ trên địa bàn này. Thế nhưng, từ thế kỷ 17 trở đi Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh mới thực sự phát triển và hình thành những đô thị phong kiến - nghĩa là cho đến trước khi thực dân phương Tây xâm nhập, thì Sài Gòn-Gia Định đã trở thành trung tâm phát triển của cả vùng đất phía Nam rồi.

+ Hai là, trong khoảng hai thế kỷ (XVII-XVIII), nền hành chính được thiết lập làm cơ sở quan trọng cho quá trình khai phá, mở cõi và kiến tạo vùng đất mới, trong đó định hình vùng trung tâm Sài Gòn có vị trí vai trò đầu mối quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng đất mới phía Nam. Người Việt cùng các cộng đồng dân cư tại chỗ và nơi khác di cư đến đã chung sức và cộng sinh, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau; trong đó sự phát triển của các lớp dân cư người Việt có ý nghĩa quan trọng nhất, quyết định nhất cho hàng trăm năm tạo dựng bộ phận nền văn minh Việt Nam ở Đàng Trong.

+ Ba là, nửa đầu thế kỷ XIX (1802-1858) trước khi chủ nghĩa thực dân phương Tây đến xâm lược, Sài Gòn và toàn bộ lục tỉnh Nam kỳ đã hoàn chỉnh nền hành chính hiện đại dưới triều Nguyễn, vai trò vị trí trung tâm của Sài Gòn-Gia Định góp phần ổn định phát triển cả miền lục tỉnh và có ảnh hưởng đến các lân bang. Điều này còn góp phần hoàn chỉnh cả không gian thống nhất quốc gia trên dải đất hình chữ S với đầy đủ chủ quyền lãnh thổ từ Bắc vào Nam và biển đảo Tổ quốc Việt Nam.

+ Bốn là, gần một 100 năm (1859-1945), Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định bắt đầu “đi trước về sau” trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; đồng thời đi trước, phát triển nhanh và toàn diện nền kinh tế-xã hội, từng có biệt danh “Hòn ngọc Viễn Đông”. Sài Gòn từng làm nơi mở đầu quá trình tìm đường cứu nước và truyền bá con đường cách mạng vô sản về Việt Nam; từng là tâm điểm phong trào dân tộc với nhiều sáng tạo phong phú cả nội dung và hình thức, góp phần thiết lập nền dân chủ cộng hòa đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

+ Năm là, 30 năm (1945-1975) là thời kỳ lịch sử đặc biệt, vẫn tiếp tục vị trí “đi trước về sau”, Sài Gòn-Gia Định vì cả nước và cùng cả nước đấu tranh vì độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc. Trong suốt 30 năm chiến tranh không ngừng nghỉ, Sài Gòn-Gia Định chuyển biến liên tục và toàn diện, đảm đương vai trò trung tâm đầu não của chế độ thực dân, là trọng điểm chỉ đạo của chiến tranh cách mạng Việt Nam thời hiện đại. Lá cờ giải phóng ngày 30/4/1975 trên Dinh Độc lập ở Sài Gòn trở thành biểu tượng chiến thắng của sức mạnh đoàn kết, thống nhất và chính nghĩa quốc gia 54 dân tộc của đất nước Việt Nam trước sức mạnh của bất cứ thế lực ngoại xâm nào.

+ Sáu là, 40 năm (1975-2015) Thành phố chính thức mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành thành phố lớn, hiện đại nhất của Tổ quốc, một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, một cửa ngõ rộng mở ở phía Nam cho sự phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của đất nước. Thành phố chủ động tháo gỡ khó khăn, phát huy những tìm tòi và khai phá bước đi mới, xây dựng cơ chế mới, góp phần hình thành đường lối đổi mới; vẫn giữ vững vị trí và vai trò “đi trước”, đầu tàu, động lực trong xây dựng và phát triển với truyền thống năng động, sáng tạo, nghĩa tình, vì cả nước cùng cả nước.

+ Bảy là, hành trình từ thời tiền sử đến đầu công nguyên và đến ngày nay của lịch sử Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, là hành trình của hàng chục nền văn hóa, hàng ngàn lớp dân cư, hàng trăm thế hệ nối tiếp, xây dựng và phát triển mảnh đất của lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, từng bước thành đất làng, đất hộ, thành trấn, thành dinh, để thành đô thị, thành văn minh hiện đại. Đặc biệt trong quá trình ấy là hơn 300 năm (1698-2015) là hành trình vô cùng quan trọng, định hình toàn bộ diện mạo lịch sử và ảnh hưởng đến tất cả mọi sự phát triển ở Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh qua các thời kỳ, định vị nhiều giá trị tinh thần truyền thống của Thành phố từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả