SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu tuyển chọn giống và tối ưu điều kiện nuôi trồng quả thể nấm Bông tuyết trùng thảo thu thập ở Việt Nam

Đề tài do tác giả Trần Văn Cảnh và cộng sự (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng sinh học) thực hiện nhằm tuyển chọn được 1 chủng giống Bông tuyết trùng thảo (Isaria tenuipes) thu thập ở Việt Nam có khả năng sinh trưởng tốt nhất và tối ưu được điều kiện nuôi trồng quả thể (Synnema) chứa hàm lượng Beauvericin và Adenosine cao nhất.

Bên cạnh nấm Đông trùng hạ thảo (Cordyceps sinensis) và Nhộng trùng thảo (Cordyceps militaris) được xem là nguồn nguyên liệu quý cho thực phẩm chức năng và dược liệu, thì nấm Bông tuyết trùng thảo (BTTT) cũng có nhiều tác dụng dược lý quan trọng đã được nghiên cứu và chứng nhận trong suốt thập kỷ qua ở các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,... Trong nấm BTTT có chứa nhiều hợp chất sinh học đặc biệt như Adenosine, N6-Adenosine có khả năng chống rối loạn nhịp tim, tăng lưu thông mạch vành,… Bên cạnh đó, các hoạt chất khác như Ergosterol peroxide, Acetoxyscirpenediol và Beauvericin được tách chiết từ nấm BTTT nuôi trồng nhân tạo có khả năng ức chế các dòng tế bào ung thư, tế bào ác tính ở người như tế bào khối u dạ dày, tế bào ung thư gan, tế bào ung thư ruột kết - ruột thẳng, bệnh liên quan thần kinh và bạch cầu.

Trong khi nấm Đông trùng hạ thảo và Nhộng trùng thảo không phát hiện hoặc rất hiếm tại Việt Nam, thì nấm BTTT lại khá phổ biến ở Việt Nam. Vì vậy, đây có thể xem là nguồn lợi nấm trùng thảo có giá trị dược liệu và thực phẩm chức năng cao ở Việt Nam cần được khai thác.

Trong đề tài này, nhóm tác giả tiến hành tuyển chọn giống (thu thập tại các vùng núi ở Việt Nam) và tối ưu các điều kiện nuôi trồng quả thể nấm BTTT; thực nghiệm nuôi trồng quả thể nấm BTTT ở quy mô pilot; khảo sát một số chỉ tiêu hạn chế (chỉ tiêu kim loại nặng, chỉ tiêu vi sinh vật) và đánh giá độc tính cấp của nấm BTTT.

Theo đó, nấm BTTT chủng I. tenuipes VHI-2 là chủng nấm sinh trưởng, phát triển tốt nhất, cho hàm lượng Beauvericin và Adenosine cao nhất trong số các chủng nấm phân lập được. Trên môi trường lỏng tĩnh thì nuôi trồng quả thể nấm BTTT chủng I. tenuipes VHI-2 phát triển tốt nhất, công thức tối ưu là: 4,5% Glucose + 2,0% BNT + 0,1% Khoáng ở các điều kiện tối ưu gồm pH ban đầu là 6, nhiệt độ là 250C và cường độ chiếu sáng là 200 lux.

Trên môi trường bán rắn thì nuôi trồng quả thể nấm BTTT chủng I. tenuipes VHI-2 phát triển tốt nhất, công thức tối ưu là: 79,90% Gạo lứt + 20% BNT + 0,1% Khoáng với tỷ lệ cơ chất/nước lọc tối ưu cho vào mỗi hộp là 1/1,25, khi lây nhiễm 6% lượng giống, nuôi ở nhiệt độ 250C, độ ẩm 75%. Trên nhộng tằm dâu thì quả thể nấm BTTT chủng I. tenuipes VHI-2 phát triển tốt nhất khi phun/lây nhiễm với lượng giống có nồng độ 107 cfu/ml vào ấu trùng tằm tuổi 5, rồi đem nuôi ở 250C, độ ẩm 75%, chiếu sáng với cường độ 250 lux.

Sản xuất pilot ở các môi trường và điều kiện tối ưu đảm bảo được sự đồng nhất về sinh khối, khối lượng quả thể và hàm lượng các hoạt chất trên môi trường bán rắn và môi trường lỏng. Xây dựng được 3 quy trình sản xuất, trong đó sản xuất trên môi trường bán rắn và môi trường lỏng là hiệu quả nhất. Chi phí sản xuất dự tính cho các dạng quy trình nuôi tính trên mỗi đơn vị hộp nuôi: dạng lỏng (13.800 đồng/hộp), dạng bán rắn (15.800 đồng/hộp), dạng nhộng tằm (23.000 đồng/hộp).

Phân tích các yếu tố giới hạn gồm kim loại nặng và vi sinh vật có hại từ sinh khối tối ưu không thấy vượt ngưỡng hoặc không phát hiện. Từ đó cho thấy sinh khối nhân nuôi đảm bảo được các yêu cầu với giới hạn các chỉ tiêu thực phẩm này. Thử nghiệm độc tính cấp của nấm BTTT trên chuột với liều sinh khối 2.500 mg/kg thể trọng chuột không gây chết hay không có triệu chứng gì bất thường trong thời gian khảo sát. Từ đó có thể suy ra liều tương đối an toàn dùng cho thực nghiệm dược lý ban đầu khoảng 500 mg/kg.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả