SpStinet - vwpChiTiet

 

Công nghiệp văn hóa tại TP.HCM - thực trạng và giải pháp phát triển

Tác giả Lê Thị Dung và cộng sự (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) thực hiện nghiên cứu đề tài nhằm đánh giá những đóng góp và hạn chế của ngành công nghiêp văn hóa (CNVH) trong những năm gần đây, từ đó đề ra một số giải pháp và định hướng phát triển ngành CNVH của TP.HCM trong thời gian tới.

Ngày 8/9/2016, Chính phủ đã có Quyết định số 1755/QĐ-Ttg về “Phê duyệt chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, xác định quyết tâm phát triển CNVH Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, biến văn hóa trở thành sức mạnh tổng hợp của quốc gia.

Có nhiều cách hiểu về CNVH, nhưng điểm chung là CNVH gồm các ngành sản xuất và phân phối một cách thương mại hóa các sản phẩm, dịch vụ có ý nghĩa văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, đa phần mọi người vẫn thường nhầm lẫn, chồng chéo giữa CNVH và công nghiệp sáng tạo. Trong phạm vi đề tài này, nhóm tác giả chọn khảo sát 5 ngành CNVH đang có những hoạt động nổi bật, gồm: điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật - nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo (trên truyền hình, đài phát thanh, báo, tạp chí, internet và quảng cáo ngoài trời); du lịch văn hóa.

Theo đó, trước khi Quyết định số 1755/QĐ-TTg được ban hành, khái niệm về ngành CNVH gần như không xuất hiện trong các văn bản luật, văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách định hướng phát triển kinh tế - xã hội từ trung ương đến địa phương. Đây là một khó khăn lớn trong công tác quản lý và định hướng phát triển ngành văn hóa nói chung, các ngành CNVH trên địa bàn TP.HCM nói riêng. Thực trạng phát triển CNVH ở Thành phố thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc quy định bởi Luật Quy hoạch, còn nhiều hạn chế như: công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp nhiều nơi chưa đồng bộ; các sản phẩm và dịch vụ bổ trợ cho các ngành CNVH chưa phong phú; nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu chất lượng lẫn số lượng;…

Đối với rạp hát/sân khấu kịch/ca nhạc, hiện nay cơ sở hạ tầng, trang thiết bị có phần xuống cấp, chưa ổn định dẫn đến sự quan tâm, đầu tư, quảng bá nội dung hoạt động chưa phong phú và tiện nghi cũ kỹ. Đối với các rạp chiếu phim, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ đã được nâng cao, đạt chất lượng tối thiểu nhưng giá vé chưa tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp, công nhân, lao động phổ thông, học sinh, sinh viên,… tiếp cận.

Qua khảo sát thực trạng CNVH TP.HCM thấy rõ một số lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn đang có chiều hướng phát triển tốt, tuy nhiên cơ sở nhà hát, địa điểm biểu diễn còn thiếu về quỹ đất cũng như kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của biểu diễn nghệ thuật. Lĩnh vực điện ảnh hầu hết do các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp tư nhân chiếm thị phần, vai trò của điện ảnh Nhà nước không phát huy được khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội. Đối với nghệ thuật biểu diễn, so với nhu cầu thụ hưởng nghệ thuật đích thực, cần nhanh chóng xây dựng nhà hát giao hưởng Thành phố. Song song đó, cần có những chính sách kích cầu, hỗ trợ và nâng cao tầm nhận thức, thụ hưởng văn hóa nghệ thuật cho người dân sở tại. Vì hiện nay, loại hình nghệ thuật đỉnh cao chỉ dành cho du khách nước ngoài chiếm phần lớn.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cũng được quan tâm. Thành phố đã ban hành quyết định số 4162/QĐ-UBND ngày 24/8/2017 về kế hoạch thực hiện chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao của TP.HCM giai đoạn 2016-2020. Việc tuyển chọn, thuê chuyên gia các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao được thể chế hóa đã đẩy mạnh việc liên kết đào tạo chuyên sâu cho diễn viên, vận động viên. Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự bắt kịp được với tiến độ chung của chương trình; một số kế hoạch, đề án chưa kịp thời ban hành; chính sách trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao không hấp dẫn nhiều tài năng trẻ.

Trong tương lai gần, chưa thể có ngay sự thay đổi mạnh mẽ cả về chất và lượng trong nội hàm các ngành/lĩnh vực của ngành CNVH Thành phố. Thị trường sản phẩm CNVH tiếp tục chưa có đột biến lớn về quy mô, dung lượng thị trường cũng như tốc độ tăng trưởng (tuy nhiên vẫn có ngoại lệ như thị trường phim ảnh và ca nhạc hiện đại). Sự cạnh tranh trong các sản phẩm CNVH ngày càng mạnh mẽ, cụ thể là giữa sản phẩm hàng Việt Nam so với hàng nhập khẩu thương hiệu toàn cầu sẽ gay gắt hơn, dựa vào đặc điểm riêng của mỗi loại mặt hàng CNVH.

Do đó, cần giải quyết bài toán thực tế giữa cung cầu, về phía các nghệ sĩ, những người hoạt động nghệ thuật mong muốn có nhiều cuộc đối thoại trực tiếp giữa nghệ sĩ với các nhà quản lý văn hóa, nghệ thuật để cùng tìm giải pháp, chính sách và định hướng phát triển phù hợp. Công tác quản lý trong lĩnh vực điện ảnh cần thay đổi về các cơ chế ràng buộc trong hợp tác đầu tư sản xuất phim, tránh thiệt hại cho nhà sản xuất và các bên tham gia hoặc kiện tụng nhau khi hợp tác không thành công. Yếu tố bản quyền tác phẩm cần được bảo vệ và có biện pháp, quy định xử phạt mạnh hơn.

Đối với du lịch văn hóa, cần hoàn thiện chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030. Cần có chiến lược trong hoạt động xúc tiến du lịch trong nước như tập trung vào việc tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch trên địa bàn Thành phố, chú trọng nhiều hơn ở thị trường khách du lịch nội địa đến thành phố. Công nghiệp quảng cáo trong thời công nghệ 4.0 phụ thuộc vào mức độ đáp ứng yêu cầu của 5 yếu tố căn bản như: kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xây dựng môi trường pháp lý cho nền báo chí truyền thông kỷ nguyên số; nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp an ninh truyền thông hiệu quả. Do đó ngành quảng cáo cần tập trung đầu tư vào những yếu tố này để thúc đẩy ngành công nghiệp quảng cáo phát triển hơn.

Từ kết quả nghiên cứu đề tài, nhóm tác giả đã phân tích chi tiết 8 vấn đề đặt ra đối việc phát triển CNVH ở TP.HCM như: sự phát triển CNVH TP.HCM có khả năng đóng góp to lớn cho các chỉ tiêu thu nhập quốc dân, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống tinh thần của cư dân; CNVH TP.HCM đa dạng loại hình nhưng chưa có sự nối kết; TP.HCM cần đặt yêu cầu cao hơn đối với hiện trạng phát triển văn hóa hiện nay, với mục tiêu là phát triển văn hóa trở thành sản phẩm CNVH;…

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả