SpStinet - vwpChiTiet

 

Thử nghiệm mô hình câu lạc bộ bệnh nhân đái tháo đường tại TP.HCM

Ngày 31/1/2008, hội đồng nghiệm thu Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã thông qua và xếp loại khá đề tài nghiên cứu khoa học “thử nghiệm mô hình câu lạc bộ bệnh nhân đái tháo đường tại TP.HCM” do BS CKI. Nguyễn Thị Ngọc Dung (Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM) làm chủ nhiệm.

Mục tiêu của đề tài là xây dựng mô hình câu lạc bộ bệnh nhân đái tháo đường (CLB BNĐTĐ) tại trung tâm y tế quận huyện TP.HCM; khảo sát đặc điểm bệnh lý và thực trạng quản lý của nhóm chứng và nhóm can thiệp; khảo sát kiến thức, thái độ thực hành (KAP) của nhóm chứng và nhóm can thiệp; khảo sát chỉ số sinh học của BN chưa đạt mục tiêu điều trị của nhóm chứng và nhóm can thiệp.
Nghiên cứu tiến hành thử nghiệm mô hình CLB BNĐTĐ tổ chức tại TTYT quận huyện TP.HCM từ tháng 12/2005 đến 4/2007 với các BN ĐTĐ đã được xác định bệnh và đang điều trị tại đây.
Theo đó, mô hình CLB BNĐTĐ tại TP.HCM được tổ chức thành công ở 4 TTYT quận 1, 7, 10, Bình Thạnh gồm 10 buổi sinh hoạt từ tháng 3/2006 đến tháng 12/2006. Đây là một mô hình quản lý ĐTĐ thích hợp và hiệu quả nhất trong hoàn cảnh thực tế hiện nay của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, tạo tiền đề để tiến tới thành lập đội chăm sóc bệnh nhân như của thế giới, cũng là một mô hình quản lý bệnh mãn tính, không lây mới tại nước ta, gồm 2 nội dung: hình thức giáo dục kiến thức, kỹ năng thường xuyên, đều đặn; can thiệp tích cực của nhân viên y tế qua tham vấn, theo dõi. điều trị, nhất là những trường hợp chưa kiểm soát tốt cân nặng, đường huyết, huyết áp và mỡ máu.
Đặc điểm bệnh lý của 900 BN chia đều trong 2 nhóm can thiệp (nhóm 1) và chứng (nhóm 2) là nữ nhiều hơn nam, thuộc tuổi trung niên và già, phần lớn có trình độ học vấn từ cấp 2 trở xuống, không còn lao động; yếu tố nguy cơ như hút thuốc, không tập luyện chiếm tỷ lệ thấp; tỷ lệ thừa cân chiếm hơn 50% và hơn 30% BM có tăng huyết áp; thời gian bệnh từ 1-5 năm, tỷ lệ nhập viện ít; thực trạng kiểm soát đường huyết còn kém: đường huyết trung bình 8,93 mmol/L ở nhóm 1 và 9,48 mmol/L ở nhóm 2, khoảng hơn ½ bệnh nhân có đường huyết đói ≥ 7,8 mmol/L, phần lớn BN chưa được theo dõi HbA1c và đường huyết sau ăn, tỷ lệ khám chuyên khoa định kỳ và tự thử đường huyết còn thấp... Về KAP của BNĐTĐ, dù ở thành phố lớn nhưng còn rất hạn chế. Nhóm kiến thức tốt chỉ chiếm 35,7% ở nhóm 1 và 7,7% ở nhóm 2; thực hành đúng chưa cao (76,3% ở nhóm 1 và 74,6% ở nhóm 2); thái độ đúng tương đối cao (91,6% ở nhóm 1 và 87,9% ở nhóm 2). Nhóm 1 sau 10 buổi tham gia sinh hoạt CLB, kiến thức tốt tăng lên thành 76,3%, thái độ đúng tăng lên 99,5% và nhất là thực hành đúng tăng lên 93,8%. Đường huyết cũng được cải thiện, giảm từ 8,93 còn 7,28 mmol/L… Thông tin về bệnh tật mà BN nhận được phần lớn từ bác sĩ, sách báo và truyền hình nhưng ở nhóm 1 nguồn cung cấp thông tin cho BN nhiều nhất là từ CLB. Mô hình cho thấy tính hấp dẫn qua số lượng người tham dự và gắn bó với CLB vì gần gũi, có lợi ích thiết thực.
Đề tài cũng đưa ra số kiến nghị nhân rộng mô hình này ở những cơ sở y tế có tiếp nhận điều trị BNĐTĐ; triển khai xét nghiệm HbA1c ở những cơ sở y tế có điều trị BNĐTĐ; đào tạo điều dưỡng có kiến thức và kỹ năng chăm sóc ĐTĐ để có thể tham gia tích cực hơn, nâng cao vai trò của người điều dưỡng như ở các nước phát triển…
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả