SpStinet - vwpChiTiet

 

Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả quan hệ hữu nghị hợp tác quốc tế cấp địa phương của TP.HCM

Tác giả Phạm Trần Thanh Thảo và cộng sự (Sở Ngoại vụ TP.HCM) đã nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển, thành tựu và tồn tại của các quan hệ hữu nghị hợp tác quốc tế cấp địa phương của TP.HCM, qua đó đề xuất các giải pháp nhằm đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu phát triển của Thành phố trong giai đoạn tới.

Theo đó, TP.HCM hiện đã thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác quốc tế (HNHTQT) với 53 địa phương trên tất cả các châu lục, các dự án hợp tác trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Qua từng giai đoạn, tốc độ mở rộng quan hệ HNHTQT cấp địa phương của Thành phố ngày càng nhanh. Thành phố dần chủ động hơn trong xác định đối tác và lĩnh vực hợp tác, trên cơ sở ưu tiên phát triển của mình. Nội dung các văn bản ký kết trong khuôn khổ quan hệ ngày càng thực chất. Các cam kết được triển khai có hiệu quả trên thực tế, góp phần triển khai chính sách đối ngoại quốc gia; quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế quốc tế của Thành phố; mang lại nguồn lực về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm, giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của cán bộ công chức Thành phố.

Tuy vậy, là một địa phương non trẻ trong hoạt động hợp tác quốc tế, với năng lực đối ngoại còn hạn chế của đội ngũ cán bộ công chức, lại bị trói buộc bởi các vướng mắc cả về cơ chế lẫn về pháp lý, không tránh khỏi một số hạn chế trong quá trình triển khai quan hệ HNHTQT cấp địa phương. Tính chủ động nhìn chung còn chưa cao, cả khi chọn lựa đối tác lẫn khi triển khai quan hệ. Do đó, hiệu quả của mạng lưới quan hệ chưa được phát huy tối đa. Tính đa dạng về địa lý trong hệ thống địa phương đối tác chưa được đảm bảo, đại đa số các địa phương mà Thành phố có quan hệ HNHT tập trung ở khu vực châu Á, nhất là Đông Bắc Á, chưa tập trung khai thác tốt tiềm năng hợp tác với các đối tác phát triển ở các quốc gia Âu Mỹ. Các dự án hợp tác tuy nhiều về số lượng nhưng chất lượng triển khai và hiệu quả mang lại chưa đồng đều; một số quan hệ còn ở dạng "quà tặng chính trị" hoặc đang “chết lâm sàng”. Những hạn chế này, nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời, sẽ là lực cản đáng kể đối với nỗ lực của Thành phố trong việc khai thác đầy đủ nguồn lực quan trọng mà nhóm quan hệ này có thể mang lại.

Trong giai đoạn 5 năm sắp tới, quan hệ HNHTQT cấp địa phương sẽ vẫn là một kênh đối ngoại quan trọng, giúp Thành phố huy động ngoại lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Các nội hàm hợp tác trong khuôn khổ quan hệ sẽ ngày càng tiệm cận với thế giới, dần đi vào quỹ đạo những nhu cầu cấp thiết mà các đại đô thị trên toàn cầu đang tập trung nỗ lực giải quyết, như cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, năng lượng tái tạo, phát triển bền vững,… Ngoài ra, căn cứ trên mục tiêu phát triển, nhu cầu về nguồn lực của Thành phố và diễn biến của các mối quan hệ trong những năm gần đây, có cơ sở cho thấy, tiềm năng của các địa phương đối tác hiện có sẽ được Thành phố tập trung khai thác tốt hơn, đồng thời quan hệ HNHTQT cấp địa phương của TP.HCM sẽ được mở rộng sang địa bàn mới, mà nhiều triển vọng nhất là Trung Đông và châu Phi.

Bên cạnh đó, một thực tế khó thể phủ nhận, là ngoài kênh quan hệ HNHTQT cấp địa phương, các kênh hợp tác khác như hợp tác với các định chế tài chính, hợp tác trực tiếp với các Chính phủ nước ngoài thông qua Đoàn Ngoại giao và Đoàn Lãnh sự, hợp tác chuyên sâu trong từng lĩnh vực với các địa phương quốc tế (thay vì ký kết thỏa thuận thiết lập khung quan hệ toàn diện) sẽ ngày càng chiếm ưu thế trong hợp tác quốc tế của Thành phố.

Vì vậy, để thúc đẩy các xu thế nói trên, nâng cao hiệu quả quan hệ HNHTQT cấp địa phương trong việc thu hút nguồn lực cho phát triển, trước mắt, Thành phố nên tiến hành ngay các giải pháp thực tiễn khả thi trong ngắn hạn và trung hạn. Thứ nhất, tập trung rà soát để hiểu rõ mục tiêu cốt lõi của các địa phương đối tác khi thiết lập quan hệ với Thành phố, từ đó triển khai mô hình hợp tác đảm bảo hai bên cùng có lợi, nhằm duy trì lâu dài lòng tin và nhiệt tình hợp tác từ phía đối tác. Thứ hai, cần tăng cường hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch tổ chức tại các địa phương đối tác thông qua việc tham vấn kỹ địa phương đối tác về thị hiếu và văn hóa, phong tục của sở tại; vận dung các kênh hỗ trợ, ưu đãi mà sở tại dành riêng cho các địa phương đối tác. Thứ ba, đa dạng hóa nguồn lực để triển khai hợp tác thông qua việc tham khảo kinh nghiệm các địa phương đối tác trong lĩnh vực này và có biện pháp khuyến khích để kết hợp nguồn lực nhà nước và nguồn lực ngoài nhà nước (từ doanh nghiệp, viện trường, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các đoàn thể,…) cùng tham gia triển khai và thụ hưởng thành quả quan hệ.

Về mặt dài hạn, Thành phố cần triển khai các giải pháp về chính sách, cơ chế để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của quan hệ. Giải pháp quan trọng đầu tiên là tổng rà soát và phân nhóm các quan hệ để xác định thứ tự ưu tiên, mục tiêu và lộ trình triển khai từng nhóm quan hệ; từ đó tránh việc rập khuôn áp dụng các hình thức hợp tác giống nhau với các địa phương khác nhau, không khai thác được thế mạnh đặc thù của mỗi đối tác. Thứ hai, xem xét lập tổ công tác liên ngành về hợp tác quốc tế nói chung, quan hệ HNHTQT cấp địa phương nói riêng, để định kỳ rà soát và đôn đốc việc triển khai các cam kết quốc tế, kịp thời báo cáo và đề xuất biện pháp xử lý để thúc đẩy tiến độ và chất lượng triển khai cam kết. Thứ ba, cần có cơ chế, chính sách để nâng cao năng lực của cơ quan chuyên trách đối ngoại; nâng cao năng lực đối ngoại, nhận thức của cán bộ công chức và người dân về vai trò và nguồn lực mà quan hệ HNHTQT cấp địa phương mang lại. Thứ tư, kiến nghị Trung ương xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý để tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý hiện đang ‘trói tay’ Thành phố khi thiết lập và triển khai quan hệ.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả