SpStinet - vwpChiTiet

 

Hiệu quả trong điều trị bệnh động mạch chi dưới bằng phương pháp lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh

Để góp phần hạn chế các biến chứng nguy hiểm do bệnh tắc động mạch chi dưới gây ra ở người lớn tuổi, nhóm tác giả Đỗ Kim Quế, Trần Văn Sơn, Chung Giang Đông (Bệnh viện Thống Nhất) và cộng sự đã thực hiện đề tài nghiên cứu nhằm đánh giá khách quan và dài hạn về kết quả điều trị bệnh động mạch chi dưới bằng phương pháp lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh.

Tắc động mạch chi dưới là tình trạng hẹp/tắc lòng động mạch chậu, đùi, khoeo, cẳng và bàn chân, làm giảm dòng máu nuôi phần chi dưới, dẫn đến hoại tử chi. Đa phần các bệnh nhân lớn tuổi bị các bệnh như tiểu đường, xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, hẹp động mạch cảnh và nhồi máu cơ tim thường có tần suất bệnh hẹp động mạch chi dưới cao hơn các bệnh nhân khác. Với các thiết bị chẩn đoán tiên tiến như máy đo chỉ số cổ chân-cánh tay (ABI), siêu âm Duplex mạch máu, chụp cắt lớp động mạch, cũng như các phương pháp can thiệp nội mạch và phẫu thuật, đã giúp chẩn đoán chính xác bệnh ngay từ giai đoạn đầu, giảm thiểu tỷ lệ cắt bỏ chi ở bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá toàn diện về hiệu quả của các phương pháp kể trên, đặc biệt là các nghiên cứu khách quan và dài hạn về kết quả điều trị bệnh lý này.

Để hoàn thiện nghiên cứu, nhóm tác giả đã tiến hành: chọn lựa bệnh nhân, xét nghiệm chẩn đoán và thực hiện phẫu thuật; xác định giá trị của siêu âm Dupplex, CT scan đa lát cắt (MSCT), chụp cộng hưởng từ động mạch (MRA) trong đánh giá bệnh động mạch chi dưới; đánh giá hiệu quả của phương pháp phục hồi lưu thông động mạch; đánh giá các thông số phẫu thuật và kết quả điều trị phục hồi lưu thông động mạch chi dưới trên 30 trường hợp bệnh (thời gian phẫu thuật, thời gian nằm viện, tỉ lệ tử vong, tần suất biến chứng, tỉ lệ đoạn chi, thành công của cầu nối).

Kết quả cho thấy, trong 62 bệnh nhân (46 nam và 16 nữ) được điều trị hẹp động mạch chi dưới tại bệnh viện Thống Nhất và bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, chỉ có 2 trường hợp bị chảy máu, 5 trường hợp biến chứng tụ máu, còn các trường hợp còn lại đều đạt kết quả tốt. Bên cạnh đó, phương pháp ABI, siêu âm Duplex, MSCT và X quang động mạch cho kết quả chẩn đoán với độ chính xác cao. Phương pháp phục hồi lưu thông động mạch có độ an toàn và hiệu quả tốt trong điều trị hẹp động mạch chi dưới. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng cho biết, việc sử dụng ABI kết hợp với siêu âm Doppler động mạch có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá kết quả phục hồi lưu thông máu ở bệnh nhân.

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả