SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu về nhóm nấm Cordyceps ở Tây Nguyên

Nhóm các nhà khoa học ở Hội Sinh học TP.HCM vừa hoàn tất việc nghiên cứu, khảo sát về nhóm nấm Cordyceps ở Tây Nguyên (Việt Nam). Kết quả nghiên cứu này giúp góp thêm những dữ liệu khoa học về đa dạng di truyền của nhóm nấm này, qua đó bước đầu tạo cơ sở khoa học cho việc khai thác nhóm nấm Cordyceps và nghiên cứu ứng dụng của nhóm nấm này trong y dược: phòng, và trị các bệnh liên quan đến oxy hóa; suy giảm trí nhớ; ung thư...
 
 
Chợ dược liệu ở khu Hải Thượng Lãng Ông (Q.5, TP.HCM). Ảnh: Q.A
 
Theo TS. Trương Bình Nguyên và TS. Đinh Minh Hiệp, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về nhóm nấm Cordyceps, thì nấm này là nhóm nấm ký sinh trên côn trùng thuộc họ Clavicipitaceae, bộ Hypocreales, lớp Pyrenomycetes thuộc ngành nấm túi (Ascomycota). Nhóm này bao gồm những loài nấm nội ký sinh trên ấu trùng và cả các cá thể trưởng thành của nhiều loại côn trùng khác nhau. Trong thời gian qua các nhà khoa học trên thế giới đã phát hiện rất nhiều các hợp chất có hoạt tính sinh học trong Cordyceps sinensis ( Đông trùng hạ thảo), các nghiên cứu về nhóm nấm Cordyceps trong thời gian gần đây cho thấy không chỉ riêng Cordyceps sinensis mới có các tính chất như vậy, mà ngày càng có nhiều loài Cordyceps spp. được phát hiện có khả năng ứng dụng trong y dược.

Về hướng nghiên cứu nhóm nấm này ở Việt Nam, trong thời gian qua đã có nhiều nhóm các nhà khoa học trong nước hợp tác với các chuyên gia nước ngoài tiến hành điều tra, nghiên cứu, khảo sát khu hệ nấm Cordyceps và các loại lân cận tại vườn quốc gia Cúc Phương, Cát Tiên, Tam Đảo...; tuy vậy cho đến nay vẫn chưa có được một bộ sưu tập nào về nhóm nấm này, để qua đó làm cơ sở cho việc khai thác tiềm năng ứng dụng của Cordyceps trong y dược. Một điều đáng lưu tâm là hiện nay trên thị trường đã và đang lưu hành một số dạng sản phẩm (dưới dạng thực phẩm chức năng) được chế biến từ Cordyceps. Song đa số nguồn gốc nguyên liệu thô này là được nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc....) với danh tính khoa học không rõ ràng, nên chất lượng sản phẩm cũng không thật sự an tâm.

Cũng từ những hạn chế vừa nêu mà TS. Trương Bình Nguyên, TS. Đinh Minh Hiệp và nhóm cộng sự đã bắt tay vào thực hiện đề tài nghiên cứu về nhóm nấm Cordyceps. Bước đầu nhóm nghiên cứu đạt được một số kết quả đáng chú ý như: thu thập được 124 mẫu nấm ký sinh côn trùng thuộc nhóm nấm Cordyceps số mẫu này thu được tại Langbian; Bidoup (Lâm Đồng); và Chư Yang Sinh (Đắc Lắc); định danh được sơ bộ 77/97 mẫu côn trùng bị nhóm nấm Cordyceps ký sinh thuộc 2 lớp, 8 bộ; xây dựng được bộ giống thuần gồm 50 chủng nấm, chọn 10 chủng có khả năng lan tơ nhanh để nuôi cấy thu sinh khối và chiết xuất cao phân đoạn; khảo sát đường cong tăng trưởng và thu sinh khối của 10 chủng nấm Cordyceps và chiết xuất 60 cao phân đoạn; xác định sơ bộ được thành phần hóa thực vật của 10 mẫu sinh khối nấm Cordyceps (theo đó các sinh khối này đều chứa nhóm hợp chất triterpenoid tự do, saponin, acid hữu cơ, chất khử và hợp chất polyuronic); đa số các cao chiết từ các chủng nấm Cordyceps đều có khả năng kháng khuẩn tốt trên Salmonella typhimurium ATCC 14028, một số cao từ Cordyceps còn có khả năng ức chế chủng Pseudomonas aeruginosa ATCC27853...

Nhóm nghiên cứu cho biết, sau những kết quả bước đầu nhiều hứa hẹn, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu về hướng phân tích trình tự thêm một số gen nhằm hỗ trợ định danh tốt hơn (đến mức loài). Đặc biệt sẽ chú trọng đến các mẫu tiềm năng, theo hướng khai thác hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học, nhất là tập trung vào hướng nghiên cứu khai thác tiềm năng dược học của Cordyceps vào những bệnh không lây nhiễm đang bùng phát hiện nay như các bệnh liên quan đến oxy hóa; suy giảm trí nhớ; ung thư...
 
Nguồn: Khoa học Phổ thông

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả