SpStinet - vwpChiTiet

 

Xử lý, tận dụng hiệu quả nguồn chất thải từ trại nuôi bò sữa

Đề tài do tác giả Lâm Vĩnh Sơn (Đại học Kỹ thuật công nghệ TP.HCM) thực hiện nhằm nghiên cứu khả năng và hiệu quả xử lý chất thải chăn nuôi bò sữa bằng công nghệ lên men kỵ khí nhằm nâng cao chất lượng môi trường (với nguyên liệu đầu vào là phân bò sữa được phối trộn với bèo lục bình); nghiên cứu khả năng tận dụng các sản phẩm đầu ra của công nghệ này để phục vụ cho nhu cầu của trang trại trong việc chăn nuôi và sinh hoạt hằng ngày (lượng bã sinh ra sau quá trình lên men được sử dụng để trồng rau với quy mô thí nghiệm, còn khí sẽ được phân tích các thành phần CH4 để đánh giá khả năng ứng dụng thực tế).

Các kết quả thử nghiệm mô hình lên men kỵ khí để xử lý chất thải chăn nuôi bò sữa cho thấy, phương pháp lên men kỵ khí để xử lý chất thải hữu cơ khá phù hợp đối với loại chất thải như phân bò sữa. Kết quả thí nghiệm cho thấy, với thời gian lên men là 49 ngày thì khả năng loại bỏ chất hữu cơ của phương pháp này là khá cao, trên 30%. Nếu như thời gian lưu của quá trình cao hơn hoặc có bổ sung thêm men vi sinh thì lượng chất thải hữu cơ có thể được loại bỏ nhiều hơn. Bên cạnh đó, khả năng sinh khí của phân bò sữa khá cao, trên 40% thành phần khí biogas sinh ra là CH4, một kết quả khá khả quan nếu sử dụng phân bò sữa cho quá trình lên men kỵ khí.

Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình lên men kỵ khí như pH, nhiệt độ đều nằm trong giới hạn cho phép về lý thuyết của công nghệ này, sự thay đổi của các yếu tố này trong suốt quá trình thực hiện thí nghiệm đều theo chiều hướng tích cực để có thể đạt được hiệu quả cao nhất. Cụ thể là pH của quá trình thay đổi từ môi trường acid chuyển sang trung tính rồi chuyển dần sang môi trường kiềm vào giai đoạn cuối của thí nghiệm.

Nghiên cứu phối trộn giữa phân bò sữa và lục bình hoàn toàn có thể sử dụng cho công nghệ lên men kỵ khí với khả năng sinh khí biogas khá cao với thành phần CH4 cao nhất là 36% tương ứng với phương án 2, tỷ lệ phối trộn là 1:1. Nếu như kết hợp giữa phân bò sữa và lục bình thì chẳng những một lượng chất thải hữu cơ trong phân bò sữa được xử lý mà còn góp phần loại bỏ lục bình với khối lượng lớn, một loài phát triển rất nhanh ở Việt Nam và cần được giảm bớt.

Khi phối trộn giữa lục bình và phân bò sữa để làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình lên men kỵ khí sẽ tạo ra một lượng bã ủ trong đầu ra sau khi kết thúc quá trình. Lượng bã này được sử dụng thí điểm để trồng rau trên quy mô thí nghiệm. Kết quả thu được từ thí nghiệm này khá tốt cho cây trồng, đặc biệt là với tỷ lệ phối trộn 1:1.
LV (nguồn: HN KH&CN ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM lần 1)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả