SpStinet - vwpChiTiet

 

Thành phần hóa học của rễ cây gai

Nhóm tác giả từ Khoa Dược (Trường Đại học Y Dược TP.HCM) và nhóm nghiên cứu Hóa – Sinh – Môi trường (Trường Đại học Phạm Văn Đồng, Quảng Ngãi) đã nghiên cứu, phân lập và xác định 8 hợp chất hữu cơ có nhiều hoạt tính sinh học quý và xây dựng quy trình định lượng, tiêu chuẩn hóa chất lượng rễ của cây gai.

Cây gai (Boehmeria nivea (L.) Gaudich) phân bố nhiều ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia và Nhật Bản. Ở Việt Nam, cây gai thường mọc rải rác ở các tỉnh thành từ Bắc vào Nam. Người dân trồng gai chủ yếu để lấy lá làm bánh; vỏ, rễ, củ làm thuốc chữa các bệnh khánh khuẩn, lợi tiểu… Vỏ gai có thể dùng sản xuất sợi gai với nhiều đặc tính tốt dùng cho may mặc mà các loại sợi khác không có được.

Mặc dù y học cổ truyền Việt Nam và Trung Quốc đều đề cập rễ của cây gai có thể sử dụng để chữa trị nhiều loại bệnh khác nhau như: cảm lạnh, sốt, viêm  nhiễm đường tiểu, viêm thận, phù nề, động thai và nguy cơ sẩy thai…Tuy nhiên, cho đến nay các nghiên cứu về thành phần hóa học cũng như hoạt tính sinh học của rễ cây gai trên thế giới còn tương đối ít.

Các tác giả đã nghiên cứu về thành phần hóa học trong rễ cây gai thu hái tại Quảng Ngãi. kết quả cho thấy, từ rễ cây gai (B. nivea) đã phân lập và xác định cấu trúc của 8 hợp chất trong đó có 4 hợp chất đã biết ở các loài khác nhưng lần đầu được phân lập ở loài B. nivea: acid nonadecanoic, acid ursolic, trolliamid (7) và 1-O-(b-D-glucopyranosyloxy)-(2S,3S,4R,8E)-2-[(2’R)-2’-hydroxytetrecosanoyl-amino]-8-octadecen-3,4-diol (8). Bên cạnh đó, trong rễ cây gai có sự hiện diện của 2 hợp chất 7 và 8 thuộc nhóm ceramid với hàm lượng chất phân lập được tương đối lớn, lần lượt là 300 và 100mg/3,2 kg mẫu khô. Đây là nhóm hợp chất có nhiều hoạt tính sinh học và đáng chú ý, được đề xuất để chữa trị nhiều bệnh lý như ung thư, thoái hóa thần kinh, tiểu đường, béo phì, kháng khuẩn, kháng viêm. Mặc dù rễ cây gai đã được y học cổ truyền sử dụng làm thuốc từ rất lâu nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên về thành phần hóa học của rễ cây gai thu hái tại Việt Nam.

Nội dung nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Dược liệu, số 4, năm 2020, hiện đang lưu giữ tại kho tư liệu của Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN Tp. HCM (CESTI)

Trong tạp chí này còn nhiều nghiên cứu đáng chú ý khác, như:

  1. Tổng quan về thành phần hóa học và tác dụng sinh học của chi Kinh giới
  2. Xây dựng phương pháp định lượng Danshensu trong cao nước rễ Đan Sâm bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao
  3. Tác dụng chống oxy hóa và bảo vệ gan của cây Ban Hooker thu hái tại Việt Nam
  4. Thành phần hóa học phần trên mặt đất cây cối xay
  5. Phân lập và thiết lập chất chuẩn Kirenol từ cao Hy Thiêm

Quý bạn đọc có thể bấm vào tên bài để tham khảo nội dung chi tiết; hoặc tra cứu các cơ sở dữ liệu của CESTI để tìm tài liệu theo yêu cầu của riêng mình, tại địa chỉ: http://cesti.gov.vn/thu-vien/1/tra-cuu-chung.

Uyên Trang (CESTI)

 

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả