SpStinet - vwpChiTiet

 

Xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý hiếm

Đề tài “Xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển vùng dược liệu một số cây thuốc quý hiếm tại Hợp tác xã (HTX) dịch vụ thuốc nam dân tộc Dao, thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, Hà Nội” do Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường thuộc Liên minh HTX Việt Nam chủ trì thực hiện.
Theo đó, Việt Nam có khoảng 12.000 loài thực vật bậc cao, trong đó có 3.948 loài dược liệu, chiếm khoảng 37% số loài đã biết. Nếu so với khoảng 20.000 loài cây làm thuốc được ghi nhận trên thế giới thì số loài cây thuốc của Việt Nam chiếm khoảng 19%. Riêng tại Vườn Quốc gia Ba Vì có tới 862 loài thực vật bậc cao thuộc 427 chi và 136 họ với khoảng 280 loài cây dược liệu.
Cho đến nay, cộng đồng người Dao ở đây đã sưu tầm được 283 loại cây thuốc khác nhau, trong đó có nhiều cây thuốc quý. Việc sản xuất và kinh doanh cây thuốc của bà con người Dao ở đây mang lại nguồn thu nhập ổn định, nhất là từ khi một số sản phẩm chế biến và sản xuất từ cây thuốc nam được tiêu thụ phổ biến trên thị trường. Hầu hết các gia đình người Dao (90% trong số 450 hộ) biết làm thuốc nam, trong đó một nửa số này chuyên làm thuốc và có nguồn thu nhập chính từ cây thuốc, nửa còn lại làm thuốc theo thời vụ. Nguồn thu nhập bằng nghề làm thuốc nam tự do chiếm 70% tổng thu nhập toàn xã.
Hiện nay, nguồn cung cấp cây thuốc nam chủ yếu lấy từ rừng tự nhiên (trên núi Ba Vì và Vườn Quốc gia Ba Vì), còn nguồn thu hái từ nuôi trồng mới chỉ có 10 ha (trong số 110 ha đất canh tác) là được trồng rải rác một số loại dược liệu. Cách thức sản xuất thuốc nam của người Dao là tự do, các hộ tự vào rừng thu hái dược liệu về và tự chế biến, vì thế sản xuất mang tính nhỏ lẻ, ,   tự phát, không thống nhất về phương pháp, không có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chính tập tục và thói quen khai thác cây thuốc tự do, không có sự tính toán lâu dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính đa dạng và sự bền vững của Vườn Quốc gia Ba Vì. Khi nhu cầu tiêu thụ tăng sẽ dẫn đến sự khai thác quá mức hồi phục của rừng, làm số lượng loài dược liệu giảm sút nghiêm trọng, một số loài có nguy cơ tuyệt chủng (Hoa tiên, Máu người, Củ dòm, Dó đất…), nguy cơ khan hiếm nguồn nguyên liệu cũng là điều đã được dự báo trước.
Để duy trì và phát triển nguồn dược liệu cũng như giữ vững và phát triển nghề chữa bệnh bằng thuốc nam có từ lâu đời của người Dao, cần có một cơ chế quản lý và các phương pháp bảo tồn thích hợp với nét đặc thù riêng của vùng này.
Kỹ sư Dương Thúy Kim - chủ nhiệm đề tài cho rằng, muốn hồi phục và phát triển bền vững các loài cây thuốc tại đây, nhất thiết phải có sự tính toán cân bằng lợi ích của người dân với việc bảo vệ đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Ba Vì. Bên cạnh việc xây dựng khung pháp lý phục vụ công tác quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học thì vấn đề quy hoạch, hình thành vùng dược liệu tại khu vực xã Ba Vì là rất cần thiết và hoàn toàn có thể thực hiện được, bởi nguồn tài nguyên đã có sẵn trong tự nhiên, vấn đề chỉ là trồng ở đâu, quản lý và khai thác sử dụng như thế nào cho hợp lý. Tập trung lựa chọn bảo tồn những loài cây thuốc có nguy cơ bị tuyệt chủng hoặc đang bị đe dọa tuyệt chủng, các loại cây quý hiếm, không bảo tồn tràn lan các loài cây đã bị thoái hóa về nguồn gen. Công việc này cần được kết hợp chặt chẽ với công tác quản lý và khai thác các nguồn dược liệu tại Vườn Quốc gia Ba Vì.
Để khắc phục tình trạng khai thác tự do của các hộ tư nhân làm ăn riêng lẻ - nguyên nhân chính làm cạn kiệt nguồn dược liệu, việc xây dựng mô hình HTX thuốc nam cũng là một giải pháp mà đề tài đặt ra. Thực tế cho thấy, khi HTX sản xuất thuốc nam được thành lập, không chỉ thu hút bà con xã viên theo hướng làm ăn có tổ chức, phát triển kinh tế tập thể để từ đó thống nhất được phương thức thu hái, chế biến đúng kỹ thuật, thực hiện được việc phát triển nuôi trồng dược liệu có kế hoạch, mà mục tiêu cuối cùng còn là định hướng cho bà con cộng đồng người Dao tham gia vào công tác bảo tồn và phát triển cây thuốc nam trên chính mảnh đất của mình.
Giải pháp kết hợp giữa các công ty dược và cộng đồng người Dao để phát triển những bài thuốc từ dược liệu tại khu vực cũng là một nội dung của đề tài. Mặt khác, việc hợp tác với các công ty dược còn là giải pháp có tính thực tiễn trong việc đầu tư vốn cho bà con chủ động tự trồng cây thuốc tại nhà, giảm bớt việc thu hái từ thiên nhiên. Ngoài ra các công ty có thể cung cấp một số giống cây thuốc sẵn có từ các địa phương khác, đầu tư các dây chuyền kỹ thuật cho việc sơ chế, bảo quản cây thuốc sau thu hoạch, đặc biệt là tạo môi trường thực hiện các giải pháp hỗ trợ về khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. 
Sau 2 năm thực hiện, đề tài đã xây dựng và hỗ trợ cho HTX thuốc nam của xã phát triển giống cây thuốc (đã triển khai được 1.500 m vườn ươm cây giống, trồng được hơn 7.000 cây con chia cho các hộ gia đình trồng đại trà).
LV (nguồn: TC Hoạt động khoa học, 12/2011)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả