SpStinet - vwpChiTiet

 

Đóng góp của lao động qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp đối với tăng trưởng kinh tế tại TP.HCM giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến 2025-2030

Là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Thành phố, do Trường Cao đẳng nghề TP.HCM chủ trì thực hiện, ThS. Nguyễn Văn Lâm làm chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2020.

Các lý thuyết tăng trưởng gần đây chỉ ra rằng, một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh và ở mức cao phải dựa trên ít nhất ba trụ cột cơ bản: áp dụng công nghệ mới; phát triển hạ tầng cơ sở hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, động lực quan trọng nhất của sự tăng trưởng kinh tế bền vững chính là lao động được đào tạo, đặc biệt là lao động có kỹ năng nghề cao.

Thực tế, trong thời gian vừa qua, lao động qua đào tạo đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế TP.HCM. Kết quả hồi quy hàm hạch toán tăng trưởng kinh tế cho thấy khi lao động qua đào tạo tăng hoặc giảm 1% và tốc độ tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội không đổi thì tốc độ tăng GRDP của Thành phố tăng hoặc giảm 0,522%. Đồng thời, kết quả chạy tương quan cho thấy, lao động qua đào tạo của các khu vực kinh tế có mối tương quan dương mạnh mẽ đối với tăng trưởng kinh tế Thành phố, đặc biệt là lao động qua đào tạo của khu vực thương mại – dịch vụ. Song song đó, lao động qua đào tạo của khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài nhà nước có mối tương quan dương mạnh mẽ với tăng trưởng kinh tế Thành phố. Năng suất lao động của Thành phố cao gấp 2,77 lần năng suất lao động của cả nước. Tuy nhiên, năng suất lao động của Thành phố lại khá thấp so với một số nước (chỉ bằng 19,4% năng suất lao động của Singapore, bằng 48,8% năng suất lao động của Malaysia).

Với đề tài nêu trên, nhóm nghiên cứu tập trung phân tích những đóng góp của lao động qua đào tạo nghề đối với tăng trưởng kinh tế của TP.HCM; đánh giá thực trạng hiệu quả giáo dục nghề nghiệp đối với tăng trưởng kinh tế TP.HCM; đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện hệ thống đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường, thúc đẩy tăng năng suất lao động, tạo đà tăng trưởng kinh tế cho Thành phố.

Theo đó, chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo phụ thuộc vào chất lượng của hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thực trạng phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM thời gian qua cho thấy có một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có chất lượng đào tạo tốt, học sinh sau khi tốt nghiệp các trường này dễ dàng tìm kiếm việc làm hoặc có thể học lên đại học. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết với nước ngoài xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, học sinh tốt nghiệp các trường này đạt chuẩn đầu ra của các nước ASEAN, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế. TP.HCM có số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp khá lớn với khoảng 89 ngành nghề đào tạo, có khả năng đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động Thành phố và các tỉnh về số ngành nghề đào tạo và tính đa dạng của ngành nghề.

Tuy nhiên, xét trên phương diện tổng thể, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM thời gian qua chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chưa thật sự đi vào chiều sâu. Số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố hiện nay là khá lớn, nhưng số lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao còn thấp. Về ngành nghề đào tạo, các ngành nghề đào tạo nhìn chung phù hợp với 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu và 9 nhóm ngành kinh tế dịch vụ Thành phố khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, quy mô tuyển sinh và chất lượng đào tạo còn hạn chế nên chưa đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế về mặt số lượng và chất lượng. Chất lượng đầu ra của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được chuẩn hóa.

Bên cạnh các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề, một bộ phận rất lớn người lao động được các doanh nghiệp tự đào tạo, phần lớn là lao động phổ thông, đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề không đòi hỏi tay nghề cao. Công tác đào tạo của phần lớn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua chưa đảm bảo tính chuyên nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật của phần lớn học sinh, sinh viên sau khi ra trường đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc.

Tóm lại, với năng lực tuyển sinh hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM có khả năng đáp ứng nhu cầu đào tạo về số lượng ở các cấp học, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu về chất lượng. Điều này đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn 2021 – 2025, nhu cầu nhân lực tại TP.HCM dự báo mỗi năm có khoảng 310.000 – 330.000 chỗ làm việc; tập trung vào các ngành dịch vụ chủ lực thúc đẩy tái cấu trúc các ngành dịch vụ của Thành phố theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả, tập trung phát triển các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại, logistics là thế mạnh của Thành phố và có giá trị gia tăng cao. Nhu cầu nhân lực khu vực dịch vụ sẽ tăng cao nhất và chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nhu cầu nhân lực nền kinh tế; 4 ngành công nghiệp trọng yếu, trong đó tập trung vào 6 phân ngành công nghiệp ưu tiên (sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, thiết bị điện, chế biến thực phẩm, đồ uống, hàng điện tử - công nghệ thông tin, sản phẩm từ cao su - plastic).

Dự báo giai đoạn 2020 – 2025 nhu cầu nhân lực khu vực dịch vụ tăng từ 2.944 nghìn người vào năm 2020 (chiếm 65,37% tổng nhu cầu nhân lực), lên khoảng 3.156 nghìn người vào năm 2025 (chiếm 66,00%); nhu cầu nhân lực khu vực công nghiệp tăng từ 1.471 nghìn người vào năm 2020 (chiếm 32,67% tổng nhu cầu nhân lực), lên khoảng 1.568 nghìn người vào năm 2025 (chiếm 32,80%); nhu cầu nhân lực khu vực nông nghiệp giảm từ 88 nghìn người (chiếm 1,96% tổng nhu cầu nhân lực) vào năm 2020, xuống 57 nghìn người (chiếm 1,20%) vào năm 2025.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất 7 nhóm giải pháp nhằm nâng cao năng lực cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực qua đào tạo, đáp ứng định hướng phát triển kinh tế của Thành phố giai đoạn 2021 – 2025, đồng thời đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Cụ thể gồm:

- Giải pháp nâng cao nhận thức về phát triển giáo dục nghề nghiệp.

- Giải pháp nâng cao năng lực cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đó đã nêu rõ những giải pháp về quy mô, chất lượng đào tạo đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; phát triển những ngành nghề ưu tiên đào tạo; phát triển đội ngũ giáo viên; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Giải pháp quản lý, kiểm định, bảo đảm chất lượng đào tạo theo hướng tiếp cận hệ thống quản lý chất lượng tổng thể.

- Giải pháp về xây dựng tiêu chí đào tạo nghề trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 tập trung vào các tiêu chí đào tạo nghề (năng lực thực hành nghề chuyên môn, kỹ năng mềm, kỷ luật đạo đức, năng lực ứng dụng tin học và ngoại ngữ, hiểu biết về thị trường lao động,…); các tiêu chí cá nhân về năng lực làm việc.

- Giải pháp đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp.

- Giải pháp về gắn kết đào tạo và doanh nghiệp.

- Giải pháp xây dựng hệ thống dự báo cung - cầu nhân lực nhằm xây dựng phần mềm quản lý hệ thống thông tin dự báo nhu cầu nguồn nhân lực để nâng cao hiệu quả đào tạo gắn với việc làm. Đào tạo đúng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp; cân bằng và thúc đẩy sự phát triển của hệ thống cung - cầu trong thị trường lao động TP.HCM.

Nhóm tác giả cũng đề xuất các kiến nghị như sau:

- Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, với các quy định về tổ chức, tài chính, thuế, phúc lợi xã hội nhằm khuyến khích doanh nghiệp thành lập bộ phận đào tạo để cử cán bộ chuyên trách tham gia gắn kết với cơ sở đào tạo. Tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chủ động về quy mô đào tạo, hình thức tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo, thu chi nguồn tài chính. Khuyến khích cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tăng động lực phát triển giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với nhau về chất lượng sản phẩm đào tạo, uy tín cũng như hình ảnh, thương hiệu.

- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ sở đào tạo với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thợ lành nghề lâu năm giàu kinh nghiệm và nghệ nhân tài năng nhằm khai thác, sử dụng các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, kiến thức, kinh nghiệm của họ phục vụ cho đào tạo.

- Cần có chính sách và hướng dẫn cụ thể về quyền, trách nhiệm, phương thức hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.

- Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các bộ tiêu chuẩn về ứng dụng công nghệ thông tin.

- Tổ chức đánh giá, công bố chỉ số xếp hạng công tác ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả