SpStinet - vwpChiTiet

 

Hải Phòng: Nghiên cứu ứng dụng phương pháp lọc máu liên tục trong điều trị sốc nhiễm khuẩn

Đây là chủ đề của đề tài nghiên cứu khoa học do TS. Trần Thanh Cảng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nội và Chống độc, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp làm chủ nhiệm, vừa được nghiệm thu, đánh giá cao.
Sốc nhiễm khuẩn (SNK) là một bệnh lý nặng ngày càng hay gặp ở các khoa Hồi sức tích cực trong các bệnh viện với tỷ lệ tử vong cao, chi phí điều trị tốn kém, để lại nhiều di chứng. Dấu hiệu thường thấy ở bệnh nhân bị SNK là người bệnh bị  sốt  cao, người rét run, hạ thân nhiệt đột ngột cùng với triệu chứng nhịp tim nhanh, thở nhanh, kích thích, dẫy dụa hoặc mất định hướng, tứ chi lạnh, nổi vân đá ở da, thiểu niệu (rối loạn tuần hoàn thận).
Hiện trên thế giới cũng như tại Việt Nam có nhiều biện pháp điều trị bệnh nhân bị SNK mà trong đó, lọc máu liên tục (LMLT) là một trong những giải pháp tỏ ra hiệu quả nhất. Từ nhiều năm nay, LMLT đã được tiến hành nhưng chưa có một hướng dẫn thống nhất về LMLT được chỉ định khi nào, lựa chọn phương thức gì, tốc độ dịch thay thế là bao nhiêu để đạt hiệu quả tối ưu. Do vậy, cần có thêm nghiên cứu để xây dựng quy trình LMLT cho bệnh nhân SNK phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Từ năm 2008 đến 2010, nhóm nghiên cứu đã tiến hành LMLT cho 40 bệnh nhân trên 18 tuổi với tổng số lần là 90. Trong số 40 bệnh nhân này thì có tới 37 trường hợp nhiễm khuẩn cộng đồng, 3 bệnh nhân nhiễm khuẩn bệnh viện. Đường vào chủ yếu của nhiễm khuẩn là do hô hấp (chiếm 60%), tiêu hóa (27,5%), tiết niệu (5%), còn lại do tiếp xúc qua da, mô mềm… Có tới 37/40 bệnh nhân SNK bị mắc các bệnh mãn tính, trong đó 16 bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu, xơ gan, 7 bệnh nhân đái tháo đường… Sau quá trình điều trị bằng LMLT, có 24/40 bệnh nhân tử vong.
Căn cứ vào các kết quả thu được sau quá trình điều trị bệnh nhân SNK, nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị, nhóm bệnh nhân bị SNK chủ yếu là người cao tuổi có độ tuổi trung bình là 60,3; do vậy, cần phải quan tâm đặc biệt tới những dấu hiệu bị SNK của nhóm thuộc lứa tuổi này để kịp thời đưa đến bệnh viện điều trị. Việc đưa tới bệnh viện kịp thời là một yếu tố vô cùng quan trọng bởi nếu thời gian từ khi SNK đến khi LMLT dưới 12 giờ, tỷ lệ sống cao hơn so với LMLT sau 12 giờ.
LV (nguồn: TC Hoạt động KH, 3/2012)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả