SpStinet - vwpChiTiet

 

Thực trạng công tác giáo dục phòng, chống HIV/AIDS tại một số cơ sở giáo dục công lập khu vực Tây Bắc

Nhóm tác giả Nguyễn Văn Hùng, Đỗ Hữu Thủy, Nguyễn Hoàng Long, Đỗ Thu Thủy (Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế) và Hà Thị Dung, Lê Văn Tuấn (Vụ Công tác HSSV, Bộ Giáo dục và Đào tạo) thực hiện nghiên cứu về thực trạng công tác giáo dục phòng, chống HIV/AIDS tại một số cơ sở giáo dục công lập thuộc 3 tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Sơn La năm 2013.

Mục tiêu của nghiên cứu nhằm nhận diện việc triển khai giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS và nhận diện về kiến thức, thái độ, thực hành của giáo viên và học sinh về phòng, chống HIV/AIDS. Nghiên cứu mô tả cắt ngang, kết hợp nghiên cứu định tính và định lượng được tiến hành năm 2013. Đối tượng nghiên cứu là học sinh lớp 9, lớp 12; đại diện Ban giám hiệu, giáo viên các bộ môn có nội dung liên quan đến HIV/AIDS; cán bộ y tế, cán bộ phụ trách Đoàn, Đội tại 6 trường Đoàn Kết, Bình Lư, Mường Thanh, Thanh Luông, Sơn La, Chiềng Ly. Kỹ thuật thu thập thông tin là phỏng vấn bằng bộ câu hỏi thiết kế sẵn, phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm.

Kết quả cho thấy, số tiết học có nội dung về HIV/AIDS hoặc liên quan ở cấp THCS là 8 tiết, THPT là 6 tiết. Nội dung đề cập trong chương trình đơn giản, chủ yếu dừng ở mức cung cấp thông tin. Hầu hết giáo viên giảng dạy về HIV/AIDS nhưng chưa từng được tập huấn về phòng/chống HIV/AIDS. Khoảng 30,3% học sinh có kiến thức đúng về phòng, chống HIV/AIDS. Nguồn thông tin về HIV/AIDS các em nhận được từ thầy cô và bạn bè chiếm tỷ lệ cao nhất (94,3%), từ TV là 91,4%, từ internet là 81,8%. Nghiên cứu cũng đưa ra các khuyến nghị như: cần cập nhật kiến thức về HIV/AIDS trong sách giáo khoa sửa đổi, tăng cường tập huấn cho giáo viên về HIV/AIDS, tăng cường các hình thức truyền thông về HIV/AIDS cho học sinh.
 
TN (nguồn: TC Y học thực hành, số 5/2014)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả