SpStinet - vwpChiTiet

 

Xây dựng và áp dụng khung đánh giá sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp và ngành công nghiệp ưu tiên phát triển ở TP.HCM

Đề tài do PGS.TS. Bùi Nguyên Hùng, TS. Nguyễn Thúy Quỳnh Loan (Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM) và các cộng sự thực hiện vừa được Sở KH&CN TP.HCM tiến hành nghiệm thu và đánh giá xếp loại khá vào ngày 16/1/2008.

Mục tiêu của đề tài là xây dựng khung đánh giá sản phẩm có lợi thế cạnh tranh (LTCT); đánh giá tính hấp dẫn của các ngành công nghiệp; đánh giá thế mạnh tương đối giữa các doanh nghiệp (DN) trong phân ngành sản phẩm; xác định vị thế cạnh tranh hiện tại các phân ngành sản phẩm trên cơ sở đánh giá tính hấp dẫn của phân ngành, thế mạnh của các DN trong phân ngành…
Khái niệm LTCT đang ngày càng trở nên phổ biến, giúp DN có thể tồn tại và sinh lợi trong môi trường cạnh tranh, giúp một địa phương, một quốc gia đầu tư hiệu quả nhất các nguồn lực của mình để tạo ta giá trị cho nền kinh tế. TP.HCM đã định hướng phát triển những ngành công nghiệp có thế mạnh như công nghiệp cơ khí, điện tử - CNTT, hóa chất… Vì vậy, nghiên cứu này tiến hành điều tra các chuyên gia và DN của ngành cơ khí để xây dựng khung đánh giá sản phẩm có LTCT cho ngành cơ khí.
Dựa trên việc tổng hợp cơ sở lý thuyết về LTCT theo 4 cấp (quốc gia, ngành công nghiệp, DN và sản phẩm), đề tài đã xây dựng một khung đánh giá sản phẩm có LTCT theo ma trận McKinsey gồm 2 nhóm nhân tố chính là tính hấp dẫn của ngành công nghiệp (yếu tố bên ngoài) và thế mạnh DN (yếu tố bên trong). Khung đánh giá này đã xác định được 22 tiêu chí cụ thể của 4 nhóm tiêu chí đánh giá tính hấp dẫn ngành (thị trường và cạnh tranh, thị trường yếu tố sản xuất, yếu tố công nghệ, và mô trường vĩ mô); 28 tiêu chí cụ thể của 12 nhóm tiêu chí đánh giá thế mạnh doanh nghiệp (quy mô doanh nghiệp, thương hiệu, đặc trưng sản phẩm, công nghệ, tài chính, tiếp thị, quản lý, hợp tác, chiến lược, thị trường, hiệu quả kinh doanh, đầu tư và xuất khẩu)…
Theo đó, có 6 sản phẩm/phân ngành sản phẩm có LTCT của ngành cơ khí (sản xuất thiết bị điện chiếu sáng, thiết bị điện khác; sản xuất dây và thiết bị dây dẫn; sản xuất máy chuyên dụng; sản xuất xe có động cơ; sản xuất các cấu kiện kim loại, bể chứa và nồi hơi; sản xuất khuôn mẫu, cơ khí chính xác) và 4 DN có LTCT cao (Công ty CP Dây cáp điện Việt nam – CADIVI; Công ty TNHH Chế tạo máy Dược phẩm Tiến Tuấn; Công ty TNHH MTV Chế tạo Động cơ VINAPRO; Công ty CP Ô tô Huyndai – Vinamotor).
Đề tài sẽ tiếp tục giai đoạn 2 với mục tiêu xác định sản phẩm có LTCT của các ngành điện tử - CNTT, hóa chất, chế biến tinh lương thực - thực phẩm… và đề xuất chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm có LTCT.
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả