SpStinet - vwpChiTiet

 

Ứng dụng viễn thám đánh giá biến động lớp phủ khu vực TP.HCM từ 1989 đến nay hỗ trợ công tác chống ngập 

Nhóm nghiên cứu Lê Thị Dung, Lưu Đình Hiệp (Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM) sử dụng công nghệ Viễn thám tích hợp GIS thành lập 4 bản đồ lớp phủ TP.HCM từ ảnh viễn thám thu thập trong các năm 1989, 1995, 2005 và 2010, đồng thời phân tích đánh giá biến động lớp phủ trong thời gian từ 1989-2010.

Kết quả là hệ số dòng chảy trung bình của khu vực tăng theo thời gian, từ năm 1989- 2010 tăng gấp đôi và hệ quả là lưu lượng nước mưa chảy tràn tăng nhanh đặc biệt là thời gian gần đây. Phương pháp phân loại có kiểm định, chọn vùng mẫu từ thực tế mà đề tài sử dụng đã giải quyết được vấn đề đặt ra là thành lập bản đồ lớp phủ bề mặt TP.HCM một cách nhanh chóng, độ chính xác cao, đảm bảo tính thời sự của bản đồ được thành lập. Qua đó giúp các cơ quan chức năng có chính sách quy hoạch lớp phủ TP.HCM thích hợp thông qua việc tăng khả năng thấm của mặt phủ, giảm lưu lượng nước chảy tràn cũng như thiết kế hệ thống đường ống thoát nước cho thành phố nhằm giải quyết vấn đề ngập ở TP.HCM hiện nay.

Khả năng ứng dụng của viễn thám để xây dựng bản đồ lớp phủ bề mặt là rất lớn, ngoài việc in ra bản đồ giấy còn được lưu trữ dưới dạng số rất thuận tiện cho việc chỉnh sửa cập nhật thông tin mới. Do hạn chế về thời gian và những khó khăn trong công tác thu thập dữ liệu nên nghiên cứu mới dừng lại ở mức độ tổng quát khi chỉ tính toán hệ số dòng chảy và lượng mưa chảy tràn cho toàn khu vực TP.HCM mà vẫn chưa tính riêng cho từng lưu vực nhỏ ứng với những đặc trưng về lớp phủ của nó. Vì thế, kết quả tính toán của đề tài chưa thể ứng dụng để tính toán hoặc thiết kế mạng lưới thoát nước mưa cho từng lưu vực cụ thể.
 
LV (nguồn: Hội nghị Khoa học trẻ ĐHQG-HCM lần 1)
 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả