SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu áp dụng mô hình ung thư da in vivo vào khảo sát tác động kháng u da của cao chiết từ lá Tía tô

Đề tài do tác giả Huỳnh Ngọc Trinh và cộng sự (Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn) thực hiện nhằm thiết lập mô hình ung thư da thực nghiệm trên chuột nhắt ổn định, có tính khả thi cao, có thể ứng dụng rộng rãi ở các phòng thí nghiệm dược lý khác nhau. Qua đó giúp phát triển mô hình dược lý thực nghiệm mới, góp phần vào việc sàng lọc, đánh giá hiệu quả điều trị của các hoạt chất/dược liệu, đồng thời giúp phát triển thêm một dược liệu quý (lá Tía tô) trong dự phòng bệnh ung thư da.

Ung thư da là một trong 10 loại ung thư chiếm tỉ lệ cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Ở nước ta, tình hình ung thư da không melanoma đang gia tăng do thời gian chiếu sáng nhiều và tỷ lệ người dân tiếp xúc với ánh sáng mặt trời thường xuyên. Ngoài ra, người dân tiếp xúc với các hóa chất độc hại trong môi trường, hoạt động nghề nghiệp, hay trong thức ăn ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, các sang thương ung thư hay tiền ung thư da vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nếu được phát hiện sớm thì có khả năng điều trị khỏi rất cao, nhưng nếu không được điều trị sớm hoặc điều trị không đúng, ung thư da sẽ ngày càng phát triển, có thể di căn đến những cơ quan khác và ảnh hưởng xấu đến tính mạng người bệnh.

Các biện pháp điều trị ung thư da hiện nay chủ yếu dựa trên các biện pháp can thiệp như đông lạnh mô bằng nito lỏng, phẫu thuật cắt mô, loại bỏ vùng da có khối u, dùng tia laser, xạ trị hay hóa trị,…Tuy nhiên, các phương pháp này thường gây nhiều độc tính trên bệnh nhân như rụng tóc, giảm cân, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, chán ăn, táo bón, rối loạn vị giác,...Các thuốc hóa trị dùng ngoài giúp giảm thiểu các tác dụng phụ toàn thân nhưng lại khó tìm và giá thành còn tương đối cao như chế phẩm chứa 5-Fluorouracil hay Imiquimod. Vì vậy, việc nghiên cứu các liệu pháp điều trị mới, đặc biệt là sử dụng các thuốc có nguồn gốc dược liệu ngày càng được quan tâm và phát triển do hiệu quả trị liệu tốt, giảm tác dụng phụ và hạ thấp chi phí. Trong đó, dịch chiết từ lá Tía tô đã được nghiên cứu chứng minh tác động chống oxy hóa, kháng viêm và kháng ung thư da. Kinh nghiệm sử dụng trong dân gian của người Việt Nam, lá Tía tô cũng được dùng để trị cảm mạo phong hàn, ho, khí suyễn buồn nôn, có thai nôn mửa, chữa trúng độc cua, cá; dùng trong một số bệnh lý ngoài da như da mẫn ngứa, mụn cóc, làm đẹp da,…

Trong đề tài này, nhóm tác giả kiểm chứng mô hình ung thư da không melanin thực nghiệm bằng hóa chất trên chuột nhắt trắng, từ đó áp dụng để đánh giá tác động kháng ung thư da của cao Tía tô.

Theo đó, từ 3 mô hình gây ung thư da trên chuột nhắt trắng Swiss bằng DMBA phối hợp với croton oil, nhóm tác giả đã chọn lựa được mô hình gây ung thư da thích hợp và đạt các chỉ tiêu đã đề ra. Cụ thể, DMBA và croton oil được pha trong aceton đạt nồng độ lần lượt là 0,2% và 2%. Vào tuần đầu tiên của thử nghiệm, bôi dung dịch DMBA một lần duy nhất. Hai tuần sau, bôi dung dịch croton oil (2%) 2 lần/tuần cho đến kết thúc thử nghiệm. Mô hình cho tỷ lệ chuột sống sót đạt 85,71% với tỷ lệ chuột mang u trên đại thể là 94,44%. Xét nghiệm vi thể cho kết quả 70% papiloma và 30% carcinoma.

Kết quả đánh giá hiệu quả dự phòng và điều trị u da của các thuốc đối chứng (curcumin và imiquimod) cho thấy, curcumin thể hiện rõ tác động dự phòng u da thông qua hiệu quả giảm đáng kể tỷ lệ chuột mang u, số khối u trung bình và thể tích trung bình của khối u so với lô bệnh. Kết quả phân tích vi thể cho thấy không có mẫu carcinoma trong số các mẫu da chuột nhóm curcumin dự phòng. Imiquimod thể hiện rõ tác động điều trị u da thông qua hiệu quả làm giảm thể tích khối u có ý nghĩa thống kê so với lô bệnh. Hình ảnh vi thể của nhóm này đều là papilloma và không có carcinoma.

Đề tài cũng xác định dược liệu Tía tô, chiết xuất và xây dựng tiêu chuẩn cho cao chiết toàn phần từ lá Tía tô. Các phân tích về mặt thực vật học cho thấy cây Tía tô thu hái từ Hà Nội có các đặc điểm tương đồng với cây Tía tô rúm Perilla frutescens var. crispa (Benth.) Deane ex Bailey. Cao chiết toàn phần cồn 50% bằng phương pháp chiết kiệt thu được cao đặc với hệu suất chiết là 26,14%. Cao này cũng đã được xác định các chỉ tiêu về mặt chất lượng và định tính, định lượng với chất điểm chỉ là luteolin và acid rosmarinic. Các kết quả phân tích về mặt thực vật, dược liệu và kiểm nghiệm đã được sử dụng để xây dựng dự thảo tiêu chuẩn kiểm nghiệm lá Tía tô cũng như cao chiết toàn phần cồn 50% từ lá Tía tô Hà Nội.

Đánh giá hiệu quả dự phòng và điều trị u da của cao chiết toàn phần từ lá Tía tô so với curcumin và imiquimod cho thấy, cao Tía tô có tác dụng dự phòng u da thông qua hiệu quả làm thể tích khối u trung bình giảm đáng kể, đa số khối u có kích thước nhỏ hơn và không xuất hiện các mạch máu tăng sinh như lô bệnh và lô glycerin, có tỷ lệ carcinoma thấp hơn. Đánh giá ảnh hưởng của cao chiết toàn phần từ lá Tía tô trên da chuột bình thường cho thấy, cao Tía tô không gây u cũng như không gây biến đổi bất thường nào trên vùng da lưng chuột.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả