SpStinet - vwpChiTiet

 

Hệ thống an sinh xã hội ở TP.HCM - Thực trạng và giải pháp (thông qua việc thực hiện bảo hiểm y tế)

Đề tài do tác giả Nguyễn Thái Đặng Hồng Ân và cộng sự (Viện Nghiên cứu Phát triển) thực hiện nhằm phân tích và đánh giá thực trạng hệ thống bảo hiểm y tế (BHYT) ở TP.HCM; nêu lên các yếu tố ảnh hưởng, thành tựu, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp và kiến nghị để tăng tính hiệu quả thực thi BHYT trên địa bàn Thành phố.

TP.HCM đang cho thấy nỗ lực và quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị đối với mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, thông qua hệ thống chính sách và sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố, cơ quan Bảo hiểm xã hội Thành phố và các bộ phận liên quan. Tuy nhiên, trong thực tế, quá trình thực thi chính sách BHYT vẫn còn nảy sinh nhiều vấn đề, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, nhận thức người dân, cũng như tác động đến mục tiêu bao phủ của toàn hệ thống BHYT toàn dân.

Đề tài đã điều tra bằng phiếu hỏi định lượng với 1.000 hộ gia đình, trên địa bàn 9 quận, huyện của Thành phố và phỏng vấn sâu các chuyên gia, đại lý thu bảo hiểm để thu thập những thông tin trực tiếp từ cộng đồng.

Kết quả cho thấy, tình hình thực thi BHYT ở TP.HCM hiện nay ngày càng hoàn thiện, liên tục điều chỉnh những bất cập, rào cản, đi vào thực tế cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, một số trường hợp cá biệt, vướng rào cản hộ khẩu còn tồn tại và đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng mà không riêng gì cơ quan BHXH. Mặc dù xu hướng ủng hộ BHYT toàn dân chiếm đa số, nhưng nhận thức và thái độ đồng thuận về chính sách BHYT của người dân còn chưa đồng đều. Công tác tuyên truyền hiện nay ở một số đại lý thu đang diễn ra theo diện rộng, chưa “chạm” đến các thông tin tầng sâu hơn (khâu khám chữa bệnh). Từ đó, hoạt động truyền thông chuyển đổi nhận thức đối với nhóm chưa tham gia BHYT cần cải tiến, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Ngoài ra, chính một số người dân chưa chú trọng và không chủ động trong tiếp cận cập nhật thông tin về Luật BHYT sửa đổi, dẫn đến hiện tượng không biết - không quan tâm đối với một số quyền lợi cơ bản của các nhóm tiểu thương, lao động tự do, thất nghiệp và nội trợ. Tình hình quá tải của các bệnh viện thành phố diễn ra từ nhiều năm qua và có xu hướng tăng dần mỗi năm, làm giảm chất lượng khám chữa bệnh, tạo nên định kiến của không ít người dân về chính sách BHYT. Đây cũng là một trong những rào cản cho lộ trình BHYT toàn dân.

Nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp cụ thể với từng nhóm đối tượng tham gia BHYT (như hộ gia đình, sinh viên, học sinh, lao động tự do, khu vực tư nhân, cá thể, hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhóm trẻ em dưới 6 tuổi); với cơ quan BHXH Thành phố; cơ sở cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh; cộng đồng cư dân địa phương; cấp Thành phố và các cơ quan hoạch định chính sách bảo hiểm xã hội.

Theo đó, BHXH Thành phố chỉ đạo BHXH quận/huyện, phối hợp cùng với địa phương xây dựng kế hoạch truyền thông theo từng nhóm đối tượng, xem xét và tìm hiểu các trường hợp cụ thể. Đổi mới và chuyên nghiệp hóa hoạt động truyền thông cộng đồng bên cạnh các biện pháp đang áp dụng hiện nay. Đội ngũ đại lý thu BHYT tích cực phối hợp cùng với cán bộ địa phương đến tận nhà người dân (các đối tượng chưa tham gia BHYT) để phổ biến thông tin, hướng dẫn và sẵn sàng hỗ trợ các khó khăn, rào cản của họ. Nhà trường cần lồng ghép các hình thức sinh hoạt ở trường với công tác truyền thông của các ngành chức năng trong việc giáo dục, nâng cao nhận thức cho các em học sinh, sinh viên và cả phụ huynh. Cần có giải pháp ưu đãi về thuế doanh nghiệp đảm bảo cho sự tham gia BHYT của chủ sử dụng lao động. Thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT trong các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường kiểm soát sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT, củng cố cơ sở y tế trong các cơ quan, doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho người lao động tại nơi làm việc. Tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT, quyền được cấp thẻ BHYT và quyền lợi về khám chữa bệnh của trẻ em dưới 6 tuổi; hướng dẫn cha mẹ, người giám hộ đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu cho trẻ em dưới 6 tuổi;...

Đối với cơ quan BHXH Thành phố, cần tăng cường tương tác với người dân, chuyển đổi nhận thức của nhóm đối tượng chưa tham gia BHYT; hỗ trợ thủ tục hành chính và tài chính cho người tham gia BHYT; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong hệ thống thực thi chính sách BHYT; cải thiện phúc lợi cho đội ngũ thực thi BHYT.

Đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, cải cách hành chính tại cơ sở khám chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, đẩy nhanh tiến độ số hóa hệ thống quản lý BHYT, rà soát trùng thẻ, tiến tới đề nghị khấu trừ tiền mua thẻ trùng và thanh toán tiền mua thẻ đảm bảo mỗi người chỉ 1 thẻ để quản lý tốt hơn. Tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn về Luật BHYT, tăng giờ khám của bác sĩ, rút ngắn thời gian điều trị, cải cách thủ tục hành chính, lắp bảng số khám điện tử, bố trí cán bộ y tế túc trực để hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của người bệnh khi đi KCB tại các khoa, phòng; chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh;…

Đối với cộng đồng dân cư tại địa phương, các nhóm dân cư cộng đồng cần ý thức tuyên truyền cho mọi người về kiến thức nói chung và kiến thức về bảo vệ sức khỏe của chính mình, gia đình mình; các tổ chức chính trị xã hội như UBMTTQ Việt Nam, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Liên đoàn lao động,… tại địa phương cần ứng dụng sức mạnh của vốn xã hội (social capital), cụ thể là sự tín cẩn và mạng lưới xã hội quen biết để dân vận về chính sách tham gia BHYT;…

Ngoài ra, để người dân quan tâm tham gia BHYT hơn, cần nâng cấp các tiện ích, gia tăng các lợi ích và tính thuận tiện cho người sử dụng bằng giải pháp công nghệ thông tin; thành lập một ban công nghệ thông tin chuyên biệt để quản lý mạng lưới BHYT tại TP.HCM; hệ thống thông tin sử dụng điện toán đám mây (cơ sở dữ liệu tập trung) cho các bác sĩ của các cơ sở y tế được phép tra cứu thông tin về người bệnh trước khi kê đơn thuốc và tư vấn dùng thuốc; hồ sơ dữ liệu BHYT Thành phố được cập nhật và cung cấp các thông tin về số lượng người nộp đơn tham gia bảo hiểm theo nhóm, tỷ lệ chuyển đổi tham gia mỗi tháng (như đổi thẻ, cấp mới), số lượng cơ sở y tế, số lượng bệnh nhân khám ngoại trú hàng tháng, số lượng bệnh nhân điều trị nội trú hàng tháng,...

Tóm lại, để hệ thống chính sách BHYT thành công, đòi hỏi thái độ tích cực giữa các bên (BHXH, y tế, người dân) và tính chủ động trong hành động phối hợp, nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống BHYT tiến bộ, công bằng.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả