SpStinet - vwpChiTiet

 

Hải Phòng: Bảo tồn một số loài bướm quý hiếm tại Vườn Quốc gia Cát Bà

KS. Vũ Hồng Vân cùng cộng sự tại Vườn Quốc gia Cát Bà vừa thực hiện thành công đề tài nghiên cứu “Thực nghiệm kỹ thuật gây nuôi một số loài bướm quý hiếm, đặc hữu phục vụ công tác bảo tồn tại Vườn Quốc gia Cát Bà”.
Đề tài đã miêu tả chi tiết các đặc điểm về sinh học, sinh thái học cơ bản của từng pha (pha trưởng thành, pha sâu non, pha nhộng và pha trứng) của 3 loài bướm phượng (Papilio noblei, Troides aeacus và Troides helena). Các đặc điểm chính liên quan đến nhận biết, sinh học, sinh thái như tập tính của các pha, trong đó tập tính sinh sản, kiếm ăn và di chuyển tìm nơi cư trú,… đặc biệt được đề tài chú ý. Những thông tin liên quan đến thời gian thực hiện các tập tính cơ bản này ở pha trưởng thành, pha sâu non là những đóng góp tích cực của tác giả. Đề tài đã tổng kết được những tập tính quan trọng của sâu non như tập tính ăn, di chuyển, hóa nhộng, nhu cầu và quan hệ dinh dưỡng của chúng. Đây là những cơ sở khoa học quan trọng để có thể gây nuôi thành công 1 loài.
Nhóm nghiên cứu đã thực nghiệm gây nuôi thành công 3 loài bướm trên trong phòng thí nghiệm và vườn sưu tập. Đã xác định được những yếu tố chính ảnh hưởng tới kết quả gây nuôi như: thời tiết (mưa, nhiệt độ, độ ẩm) và thức ăn. Từ quá trình thực nghiệm, nhóm nghiên cứu đề xuất quy trình kỹ thuật gây nuôi 3 loài bướm Papilio noblei, Troides aeacus và Troides helena.
Kết quả nghiên cứu đã góp phần bảo tồn đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Cát Bà, làm mẫu để nhân nuôi nhiều loài bướm khác tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên khác trên cả nước. Vườn Quốc gia Cát Bà mong muốn tiếp tục bảo tồn, lưu giữ nguồn gen này bằng cách nâng cấp, cải tạo vườn gây nuôi bướm để phục vụ du lịch, học tập cũng như quảng bá nguồn gen đa dạng sinh học.
LV (nguồn: TC Hoạt động KH, 2/2012)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả