SpStinet - vwpChiTiet

 

Catechin: Hoạt tính sinh học tiềm năng từ lá Trà xanh

Đề tài được thực hiện bởi tác giả Ngô Thị Phương Dung và cộng sự (Trung tâm Công nghệ Sinh học) với mục tiêu xây dựng quy trình tạo chế phẩm catechin từ lá trà xanh và đánh giá hoạt tính sinh học của catechin nhằm tạo được chế phẩm catechin có tiềm năng ứng dụng cao.

Catechin là tên gọi chung của các hợp chất polyphenol chiết xuất từ lá trà xanh Camellia sinensis. Catechin là hoạt chất sinh học có khả năng làm giảm các gốc tự do và được dùng như một tác chất kháng oxi hóa có nguồn gốc tự nhiên, sử dụng rất hiệu quả và an toàn trong công nghệ thực phẩm, thay thế các chất kháng oxi hóa tổng hợp dễ gây tác dụng phụ có hại. Đồng thời, catechin có khả năng ức chế các enzyme có nguồn gốc từ vi khuẩn và tiêu diệt các loại vi khuẩn làm hư hỏng thực phẩm, loại bỏ các độc tố do chúng gây ra. Do đó, catechin là tác nhân kháng khuẩn được ứng dụng nhiều trong thực phẩm và là thành phần trong nhiều loại thực phẩm chức năng. Ngoài ra, catechin còn có khả năng ức chế sự tạo thành mạch mới, ức chế tăng trưởng tế bào và cảm ứng tế bào chết theo chương trình (apoptosis). Nhờ vậy, catechin có khả năng ngăn ngừa và điều trị một số bệnh ung thư, bệnh tim mạch, bệnh cao huyết áp, bệnh đường ruột, bệnh răng miệng, có tác dụng làm chậm quá trình lão hoá và gia tăng tuổi thọ. Chính vì những tác dụng quý giá nói trên, catechin có giá trị cao cả về mặt kinh tế và y học. Do đó việc nghiên cứu chiết tách và đánh giá hoạt tính sinh học của catechin là việc làm cần thiết và đem lại nhiều hiệu quả.

Nhóm tác giả đã khảo sát quy trình tách chiết và thu nhận bột catechin, đánh giá hoạt tính sinh học của catechin, bao gồm: đánh giá hoạt tính kháng oxi hóa bằng phương pháp thu dọn gốc tự do DPPH và phương pháp bắt gốc tự do ABTS; đánh giá hoạt tính kháng ung thư qua khả năng ức chế tăng sinh tế bào; đánh giá hoạt tính kháng vi sinh vật bằng phương pháp khuyết tán thạch và phương pháp đo nồng độ ức chế tối thiểu MIC; cuối cùng là đánh giá hoạt tính kháng viêm thông qua khả năng kích thích tăng sinhvà di chuyển của các tế bào da.

Kết quả cho thấy, bột catechin sau khi tách chiết và đánh giá hoạt tính sinh học có khả năng kháng oxy hóa tốt, đồng thời còn có khả năng đối kháng với hai loài vi khuẩn là E. coliS. aureu, với đường kính vòng kháng khuẩn đạt 8,323 ± 0,937 (ở nồng độ 5mg/ml) và 3,623 ± 0,412 mm (ở nồng độ 50mg/ml) theo thứ tự. Ngoài ra, bột catechin cũng có khả năng kháng viêm và làm lành nhanh vết thương ở tế bào. Và catechin tách chiết được còn có khả năng ức chế tế bào ung thư trên ba dòng tế bào HepG2, A459, K462 với giá trị IC50 lần lượt là 181,1 μg/ml và 186 μg/ml; 137,8 μg/ml.

Trên đây là nội dung của đề tài nghiên cứu khoa học “Chiết xuất và đánh giá hoạt tính sinh học của catechin từ lá trà xanh Camellia sinensis”, vừa được cập nhật vào  Hệ thống Liên kết nguồn lực thông tin KH&CN Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, trên Hệ thống còn rất nhiều đề tài nghiên cứu cùng chủ đề vừa được cập nhật, đáng kể đến như:

  1. Khảo sát thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của lá thiên niên kiện tía (Homalomena occulta (Lour.) Schott), họ Ráy (Araceae) thu hái tại Côn Đảo
  2. Khảo sát hoạt tính sinh học và tách chiết hợp chất saponin steroid của loài Bảy lá một hoa (Paris yunanensis Franch, Trilliacea) ở Kon Tum
  3. Thu nhận, xác định cấu trúc và đánh giá khả năng kiểm soát béo phì của chất nhầy hạt é (Ocimum basilicum Lamiaceae)
  4. Khảo sát tác dụng bảo vệ gan và hỗ trợ điều trị đái tháo đường của Rau trai
  5. Nghiên cứu tác dụng gây apoptosis của một số cao chiết dược liệu trên dòng tế bào ung thư

Quý bạn đọc có thể bấm vào nhan đề để tham khảo nội dung chi tiết; hoặc tra cứu trên Hệ thống để tìm tài liệu theo yêu cầu của riêng mình, tại địa chỉ: http://stinet.gov.vn/

Hệ thống Liên kết nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức thực hiện theo Đề án liên kết nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ do Ủy ban Nhân dân TP.HCM phê duyệt.

Được triển khai từ tháng 5 năm 2018, đến nay, Hệ thống đã liên kết dữ liệu của 39 tổ chức KH&CN thành viên (các cơ quan nghiên cứu, trường đại học và thư viện) tại TP.HCM, với hơn 341 ngàn tài liệu, gồm thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN, sách, giáo trình nội bộ, luận văn, luận án, tạp chí chuyên ngành KH&CN, tài liệu hội thảo,...

Hệ thống cho phép người dùng tra cứu, khai thác trực tuyến đến các tài liệu thư mục và toàn văn theo cơ chế mở.

Kim Oanh (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả