SpStinet - vwpChiTiet

 

Giải pháp đảm bảo cơ hội học tập và giáo dục cho trẻ em nhập cư tại TP.HCM

Đề tài do tác giả Ngô Minh Oanh và cộng sự (Viện Nghiên cứu Giáo dục) thực hiện nhằm nghiên cứu và đánh giá thực trạng cơ hội học tập và giáo dục cho trẻ em nhập cư tại TP.HCM, qua đó đề xuất hệ thống các giải pháp đảm bảo cơ hội học tập và giáo dục cho trẻ em nhập cư tại Thành phố.

Với lợi thế nhiều cơ hội việc làm, TP.HCM thu hút lượng lớn người nhập cư, và ngày càng tăng, cùng với đó là việc gia tăng học sinh một cách ồ ạt. Chỉ sau một năm, Thành phố tăng 85.000 học sinh mới, trong đó số lượng trẻ không có hộ khẩu chiếm hơn 50%. Tình trạng học sinh nhập cư (HSNC) gia tăng hàng năm khiến cho ngành giáo dục và đào tạo của Thành phố đối mặt với áp lực quá tải, cơ sở vật chất không đáp ứng kịp nhu cầu, ảnh hưởng lớn đến hoạt động dạy và học.

Đề tài đã khảo sát trên diện rộng các khách thể như học sinh trong nhà trường, học sinh ngoài nhà trường, phụ huynh học sinh (PHHS) trong nhà trường, PHHS ngoài nhà trường, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ quản lý kinh tế - xã hội và các chuyên gia giáo dục ở các cơ quan, các địa phương. Kết quả cho thấy, đa phần PHHS nhập cư vào TP.HCM chủ yếu đến từ khu vực Trung bộ và Nam bộ. PHHS có công việc ổn định khi nhập cư vào TP.HCM và phần lớn đều làm việc ngoài khu vực nhà nước, đa phần là các nghề tự do. Phần lớn PHHS nhập cư chủ yếu ở dạng đăng ký tạm trú và tạm trú có sổ KT3. Số PHHS đang ở nhà thuê chiếm số lượng cao. Nhiều phụ huynh còn gặp khó khăn đáng kể trong việc xin nhập học cho con. Phụ huynh hài lòng với những gì con em được học tập ở trường và điều kiện môi trường học đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu học tập của HSNC.

Về chất lượng giáo dục, phần lớn HSNC có thành tích học tập tốt, tự tin trong giao tiếp với bạn bè và yếu tố nhập cư có tác động đáng kể đến khả năng giao tiếp, hội nhập môi trường sống và học tập của các em. Trẻ được cha mẹ và thầy cô tạo điều kiện học tập trong và sau giờ lên lớp.

Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và công tác quản lí tại các trường có HSNC cơ bản đều đáp ứng tốt cho cơ hội học tập và giáo dục của HSNC theo chương trình và sách giáo khoa hiện hành. HSNC được thầy cô và nhà trường quan tâm và đối xử bình đẳng. Công tác quản lí của nhà trường với HSNC được thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, với tỉ lệ dân số nhập cư ngày càng tăng cao, đồng thời phải thực hiện chương trình phổ thông mới, đội ngũ giáo viên và mạng lưới trường lớp tại các địa phương có dân số nhập cư đông đang quá tải, ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học. Do đó, để đảm bảo HSNC không chỉ được đến trường mà còn được thụ hưởng một nền giáo dục có chất lượng, đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận các dịch vụ giáo dục thì Thành phố cần đầu tư mở rộng mạng lưới trường lớp, tăng cường đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng cơ hội học tập và giáo dục cho HSNC.

Đối với trẻ em nhập cư, cơ hội đến trường, nhà ở, điều kiện học tập cũng còn nhiều bất cập. Một bộ phận trẻ nhập cư không có điều kiện đến trường, phải đi làm thêm để kiếm sống. Chính quyền Thành phố và ngành giáo dục đào tạo đã có những nỗ lực lớn để trẻ nhập cư có điều kiện đến trường và phần lớn đều có học lực khá, giỏi, hạnh kiểm khá, tốt. Các em được các thầy cô quan tâm dạy dỗ và giáo dục tốt, ít bị phân biệt. Năng lực giao tiếp với thầy, cô, bạn bè, đa số là tự tin; tham gia sinh hoạt Đoàn, Đội tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế trẻ em nghèo, trẻ nhập cư vẫn còn thiệt thòi so với các trẻ em khác về cơ hội học tập. Các em có nguyện vọng được tạo điều kiện hơn nữa các cơ hội học tập và giáo dục. 

Việc đảm bảo cơ hội học tập và giáo dục cho trẻ em nhập cư hiện nay vẫn còn những hạn chế: 8,7% giáo viên có năng lực giảng dạy và giáo dục đạt ở mức trung bình trở xuống đang dạy học ở khu vực có nhiều HSNC; có đến 21,4% giáo viên tự đánh giá là năng lực dạy học của mình chỉ từ chưa phù hợp đến tương đối phù hợp. Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay và yêu cầu đảm bảo cơ hội học tập cho trẻ em nhập cư, đây là một vấn đề lớn, cần phải khắc phục. Trong thời gian tới, cần thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và nâng cao hiệu quả đáp ứng cơ hội học tập cho HSNC, đội ngũ giáo viên cho thấy còn thiếu, nhất là ở cấp tiểu học (tỷ lệ giáo viên/học sinh ở những quận, huyện có nhiều người nhập cư còn cao gấp đôi quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Về góc độ quản lý: có 10% số trường chỉ đạt mức độ khá trong quản lý; 15% cán bộ quản lý có năng lực ở mức độ khá, 2,5% ở mức độ trung bình. Đội ngũ cán bộ quản lý của các trường và các phòng giáo dục quận, huyện có đông HSNC cũng đang ở vào tình trạng quá tải trong công việc. Bên cạnh đó, các trường tiểu học và THCS khu vực có đông người nhập cư cũng gặp nhiều khó khăn: quản lý quá tải; giáo viên thiếu và năng lực hạn chế so với chuẩn; khó khăn về tài chính và cơ sở vật chất,…

Từ đây, nhóm tác giả đã đề xuất hệ thống 9 giải pháp đồng bộ, bao gồm

  1. Tuyên truyền về vai trò và những đóng góp của người nhập cư; nhận thức đúng đắn về giá trị giáo dục đối với mỗi người, giúp họ phát triển cá nhân và sau đó là phát triển cộng đồng và xã hội, từ đó có những chính sách thiết thực, phù hợp, có tính pháp lí để đảm bảo cơ hội học tập cho trẻ em nhập cư.
  2. Xây dựng đội ngũ giáo viên mạnh về chuyên môn, thân thiện với học sinh, có tâm huyết và trách nhiệm với xã hội.
  3. Nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp, nhất là năng lực tìm hiểu, hỗ trợ đối với tất cả học sinh khó khăn và năng lực phối hợp với gia đình trong giáo dục học sinh, trong đó có HSNC.
  4. Phối hợp tốt các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường trong việc nâng cao khả năng, cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em nhập cư.
  5. Cải thiện công tác qui hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng trường lớp để đảm bảo giáo dục toàn diện và bình đẳng giữa tất cả các nhóm trẻ em.
  6. Tiến tới áp dụng chính sách miễn học phí đối với học sinh cấp THCS, thực hiện công bằng giữa học sinh trường tư thục và trường công lập.
  7. Xác định tầm quan trọng của công tác phối hợp cũng như các nội dung phối hợp cụ thể giữa các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường trong việc nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục cho tất cả HSNC trên các địa bàn của TP.HCM.
  8. Nâng cao năng lực quản lý, tổ chức dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới và theo quan điểm phát triển phẩm chất và năng lực của từng cá nhân học sinh, nhất là đối với học sinh khó khăn, trong đó có HSNC.
  9. Các trường sư phạm đào tạo giáo viên, cần trang bị cho sinh viên các nội dung về tình hình nhập cư và trẻ em nhập cư hiện nay; tâm lý trẻ em nhập cư; phương pháp giảng dạy và giáo dục trẻ em nhập cư cũng như các giải pháp đảm bảo cơ hội học tập và giáo dục cho trẻ em nhập cư.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả