SpStinet - vwpChiTiet

 

Đánh giá hiệu quả điều trị thực nghiệm chuột tổn thương gan bằng nhân tố kích thích tăng trưởng bạch cầu hạt kết hợp thuốc Plenastem

Là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Thành phố, do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ chủ trì thực hiện, ThS. Lê Văn Trình là chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2019.

Nhân tố kích thích bạch cầu hạt (GCSF - Granulocyte Colony Stimulating Factor) là tác nhân huy động tế bào gốc tủy xương di chuyển ra máu ngoại vi và kích thích sự tăng sinh, biệt hóa của tế bào tiền thân trong tủy xương thành bạch cầu hạt. GCSF thường được sử dụng trong điều trị bệnh giảm bạch cầu. Nhiều nghiên cứu cho thấy GCSF có hiệu quả điều trị cho các tổn thương gan mạn tính như bệnh gan giai đoạn cuối do virus, do chất cồn hay bệnh tự miễn.

Plenastem với hoạt chất là dexamethasone, được biết như một chất kháng viêm và có tác dụng điều hòa phản ứng miễn dịch của cơ thể. Việc sử dụng Plenastem có thể làm giảm quần thể tế bào gốc tạo máu khi di cư từ tủy xương ra máu ngoại vi bị giữ lại ở lách dưới sự ảnh hưởng của các tín hiệu miễn dịch. Việc kết hợp GCSF và Plenastemnày được giả thiết làm tăng lượng tế bào gốc lưu hành trong tủy xương, từ đó làm tăng hiệu quả điều trị của GCSF.

Mô hình chuột tổn thương gan là một công cụ nghiên cứu phổ biến, hữu ích cho các thử nghiệm nghiên cứu về phát triển thuốc hay các liệu pháp điều trị bệnh tổn thương gan.

Với đề tài nêu trên, nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu đánh giá hiệu quả của GCSF kết hợp với thuốc với thuốc Plenastem (một thuốc có tác động giảm sự tập trung của tế bào bạch cầu ở lách) lên mô hình chuột tổn thương gan do tắt ống dẫn mật. Mục tiêu nhằm gây tạo thành công mô hình chuột tổn thương gan do thắt ống dẫn mật bằng phương pháp phẫu thuật thắt ống dẫn mật; khảo sát và so sánh được hiệu quả điều trị của GCSF kết hợp Plenastem trên mô hình chuột tổn thương gan do tắc ống dẫn mật.

Kết quả, đã tạo được mô hình chuột tổn thương gan bằng phương pháp phẫu thuật thắt ống dẫn mật chủ ở cả hai đối tượng là chủng chuột BalbC Albino và Swiss Albino. Đây là phương pháp tạo mô hình chuột tổn thương gan hiệu quả trong thời gian ngắn (7 ngày). Chủng chuột Swiss thích hợp cho việc sử dụng làm mô hình tổn thương gan do thắt ống dẫn mật để tiến hành các nghiên cứu về hiệu quả điều trị vì thời gian sống dài hơn chuột BalbC. Chuột mô hình mang các dấu hiệu của sự tổn thương như vàng da, suy giảm khối lượng cơ thể, viêm và sưng gan, căng túi mật, các tế bào gan bị hoại tử thể hiện qua thay đổi các chỉ số sinh hóa và trên hình thái mô học, mô gan bị xơ hóa và tăng sinh ống mật.

Tiêm GCSF 10μg/kg/ngày trong 5 ngày liên tục có tác động làm tăng số lượng bạch cầu tổng và phần trăm bạch cầu trung tính. Đồng thời, ghi nhận ở nhóm chuột được điều trị bằng GCSF có tác động làm giảm sự viêm gan, cải thiện chức năng gan và kéo dài thời gian sống cho chuột so với nhóm đối chứng sau 26 ngày theo dõi. Tiêm GCSF 10μg/kg/ngày trong 5 ngày liên tục kết hợp 1 liều Plenastem 50μg/kg làm tăng hiệu quả huy động bạch cầu trung tính ra máu ngoại vi và tế bào gốc tủy xương tới mô gan chuột bị tổn thương do thắt ống dẫn mật. Tiêm GCSF 10μg/kg/ngày trong 5 ngày và GCSF kết hợp Plenastem có tác động giảm viêm gan, cải thiện chức năng gan và kéo dài thời gian sống cho chuột tổn thương gan so với nhóm đối chứng.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả